Trạm Y tế xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được xây dựng cách đây 30 năm, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ghi nhận từ thực tế, hiện các mảng tường của trạm bị bong tróc, rong rêu phủ khắp nơi. Mái tôn bị thủng, nhiều vị trí rỉ sét, mùa mưa thấm dột gây ẩm mốc, mùa nắng mặt trời rọi vào tận phòng khám. Cơ sở vật chất xuống cấp nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình khám bệnh của Trạm Y tế, thiệt thòi cho người dân và cán bộ trong trạm.
Một nhân viên Trạm Y tế xã Bình Trị cho biết, công tác tại đây nhiều năm, họ thấy băn khoăn khi cơ sở vật chất đã cũ kỹ. Còn người dân địa phương thì lo lắng khi chữa bệnh ở nơi chất lượng không đảm bảo.
Đáng nói, Trạm Y tế xã Bình Trị là đơn cử cho một trong số hàng chục cơ sở y tế cấp phường, xã tại tỉnh Quảng Nam xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua.
Trước thực trạng trên, tháng 8/2022, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế cấp huyện và 76 trạm y tế tuyến xã với tổng mức đầu tư hơn 296 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ sau đại dịch COVID-19. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của PLVN, thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2024 - chỉ còn gần 3 tháng phải hoàn thành. Thế nhưng, đến nay mới có 15 công trình trạm y tế xã triển khai thi công. Số còn lại vẫn đang loay hoay với công tác đấu thầu, điều chỉnh hồ sơ thiết kế… Mới nhất, gói thầu 28 trạm y tế, dự kiến triển khai thi công vào ngày 1/7/2024, hoàn thành 30/11/2024 vẫn đang quá trình lựa chọn nhà thầu. Gói thầu 10 trạm y tế dự kiến triển khai thi công trong tháng 10/2024 cũng đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu.
Điều này cũng đồng nghĩa, khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tại các trạm y tế xã đang rất cấp bách như đã nêu trên, thì dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ và sẽ bị thu hồi vốn.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười chia sẻ, với vai trò, nhiệm vụ quản lý ngành Y tế, Sở luôn theo dõi sát tiến độ thi công và mong muốn các công trình sớm hoàn thành, đi vào hoạt động. 76 trạm y tế chiếm gần 1/3 số trạm y tế trên địa bàn tỉnh và 5 trung tâm y tế tuyến huyện được đầu tư xây mới đầy đủ trang thiết bị hiện đại sẽ phát huy hiệu quả việc khám, chữa bệnh cho người dân, giảm áp lực cho tuyến trên.
Tuy nhiên, hiện tiến độ dự án vẫn còn chậm. Trong khi nhiều trạm đã thực hiện thanh lý, tháo dỡ để bàn giao mặt bằng nhưng vẫn chưa triển khai thi công, thậm chí chưa lựa chọn được nhà thầu. Nhiều trạm y tế đang thi công, đột nhiên tạm dừng nhiều tháng nay. Đổi lại, các hoạt động khám, chữa bệnh phải thực hiện tạm thời tại trụ sở các cơ quan, nhà dân, không đảm bảo các điều kiện cần thiết cho khám, chữa bệnh…
“Thời điểm kết thúc dự án theo Nghị quyết của Quốc hội đã đến gần, điều này khiến ngành lo lắng về nguy cơ mất vốn. Bởi trong điều kiện nguồn thu của địa phương đang khó khăn, kinh phí cho ngành Y tế hạn chế, đây là trợ lực hết sức quý giá. Nếu dự án không đảm bảo tiến độ, nguồn vốn bị thu hồi, các công trình dở dang, không biết trách nhiệm sẽ thuộc về ai và tỉnh sẽ lấy nguồn kinh phí nào bù đắp cho nguồn vốn thiếu hụt. Những điều này tạo thêm áp lực lên các cơ sở y tế đang được thụ hưởng từ dự án”, ông Mười lo lắng.
Về việc này, ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam thông tin, gói thầu 15 trạm đang được thi công, dự kiến đến giữa tháng 10/2024 hoàn thành. Gói thầu 28 trạm, đến tuần sau sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu. Còn đối với gói thầu 10 trạm, hiện đã mở thầu và Ban đang đốc thúc đơn vị chấm thầu nhanh đảm bảo kịp tiến độ chọn nhà thầu, triển khai thi công cùng lúc với gói thầu 28 trạm vào đầu tháng 10 này.
Trước tình trạng chậm tiến độ và nhiều “rắc rối” từ mặt bằng, hồ sơ đầu thầu, thủ tục, thẩm định giá của dự án này, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo việc giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2024. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về việc không giải ngân hết nguồn vốn này.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, tỉnh đã trực tiếp làm việc với chủ đầu tư, đôn đốc việc khẩn trương đẩy nhanh thực hiện xét thầu, ký hợp đồng với nhà thầu và cho tạm ứng vốn theo tỷ lệ hợp đồng, đôn đốc tiến độ thi công để có tiến độ giải ngân. Tuyệt đối không để xảy ra việc Trung ương thu hồi nguồn vốn này. “Quảng Nam đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp, chắc chắn sẽ hoàn thành gói thầu 76 trạm y tế này. Qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân”, ông Dũng nhấn mạnh.