Kỳ vọng khác với thực tế
Dự án hồ chứa nước Lộc Đại được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2018 với tổng mức đầu tư hơn 291 tỷ đồng, diện tích 66,6ha, kể cả lòng hồ và kênh đầu mối. Dự án thuộc công trình thủy lợi cấp 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (BQL) làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 2018 - 2020. Công trình gồm các hạng mục công trình đầu mối có dung tích hữu ích 4,4 triệu m3 nước, hệ thống kênh bằng bê tông cốt thép tổng chiều dài hơn 13km.
Từng được kỳ vọng sẽ cung cấp nước tưới cho 500ha đất canh tác, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, cắt lũ thượng nguồn và giảm nhẹ ngập lụt hạ lưu. Tuy nhiên, sau nhiều năm thi công, dự án chỉ là bãi đất đá ngổn ngang, hoang tàn, chưa thể đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận của PLVN, thời gian qua dự án gần như không có hoạt động thi công, những hạng mục đã hoàn thành trước đó như tràn xả lũ, kênh xả sau tràn và cầu qua kênh, cống lấy nước… bị bỏ lâu đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm. Một số máy móc, thiết bị lâu ngày không sử dụng đã rỉ sét.
Một người dân ở xã Quế Hiệp cho biết, trước đây ông rất vui mừng khi hay tin Nhà nước đầu tư xây dựng dự án hồ chứa nước Lộc Đại, bởi nông dân sẽ thoát cảnh thấp thỏm lo thiếu nước tưới tiêu. Tuy nhiên, dự án mới xây xong một số cống nước, tạo mặt bằng rồi để đó suốt 7 năm qua. Không chỉ khiến người dân mỏi mòn chờ hưởng lợi từ công trình thủy lợi mà một số hộ có đất canh tác ở trong khu vực dự án hiện vẫn chưa được đền bù. Trong khi chờ đợi giải phóng mặt bằng (GPMB), người dân đành phải bỏ hoang đất canh tác.
Quá trình thực hiện dự án hồ chứa nước Lộc Đại, UBND tỉnh đã cấp phép cho 1 công ty tư nhân khai thác một lượng đá thạch anh. Hiện tại nhiều khối đá thạch anh còn sót lại vẫn nằm rải rác. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020, nhưng sau đó được tỉnh gia hạn tiến độ đến cuối tháng 12/2025.
![]() |
Dự án dự kiến hoàn thành năm 2020, sau đó được gia hạn đến tháng 12/2025. (Ảnh trong bài: Công Huy) |
Thanh tra toàn diện để truy rõ trách nhiệm
Theo chủ đầu tư, hiện dự án đang tạm dừng thi công do nguồn nguyên liệu đất đắp đập (khoảng 900.000m3) đang gặp khó và vướng mặt bằng thi công với hệ thống kênh tưới. Cụ thể, trong phạm vi dự án còn lại 8,53ha chưa thực hiện bồi thường GPMB. Năm 2023, UBND huyện đã thực hiện lập và niêm yết công khai 6,0ha/8,53ha còn lại nhưng do nguồn kinh phí thực hiện công tác GPMB thực tế lớn hơn chi phí được duyệt trong tổng mức đầu tư nên chưa phê duyệt phương án bổ sung. Lãnh đạo xã xác nhận, tại dự án còn một số hộ dân chưa được GPMB.
Một lãnh đạo huyện cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ việc chủ đầu tư không chuyển kinh phí về. UBND tỉnh cũng đã nhiều lần có ý kiến về việc chuyển kinh phí để GPMB, song địa phương “chờ mãi mà không thấy đâu”.
Nói về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư dự án thông tin, nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng để bố trí GPMB của dự án đã có, đang chờ huyện phê duyệt xong phương án, có văn bản đề nghị thì DN sẽ chuyển ngay.
Trước thực trạng dự án triển khai quá chậm đã gây lãng phí và bức xúc trong dư luận, Chủ tịch UBND tỉnh mới đây đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng với dự án; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định và báo cáo kết quả về UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư phải bổ sung, hoàn thiện lại báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện đầu tư dự án. Trong báo cáo cần nêu rõ thủ tục pháp lý đầu tư dự án như quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền, quy mô đầu tư, tiến độ thực hiện, tổng mức đầu tư; khối lượng công việc đã hoàn thành, chưa hoàn thành, nguồn vốn đã được phân bổ, giải ngân…
Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và kiến nghị, đề xuất cho điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện dự án; đánh giá cụ thể, xác định quy mô đầu tư và các hạng mục cần thiết bổ sung, khái toán tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh. UBND huyện có trách nhiệm tiếp tục triển khai công tác bồi thường, GPMB phần còn lại của dự án để sớm bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.