Quảng Nam: Vì sao hàng loạt nhà phố cổ Hội An được rao bán?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù du lịch Hội An (Quảng Nam) đã khởi sắc trở lại, nhưng thời gian gần đây hàng loạt ngôi nhà cổ trong khu phố cổ vẫn được rao bán.
Một ngôi nhà treo biển rao bán tại Hội An.
Một ngôi nhà treo biển rao bán tại Hội An.

Giảm 30 - 40% vẫn chẳng ai mua

Khu phố cổ Hội An mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Du lịch phát triển, hàng loạt ngôi nhà nằm trong trung tâm phố cổ được sử dụng để buôn bán, cung cấp dịch vụ cho du khách hoặc cho thuê để kinh doanh.

Thời gian gần đây, du lịch khởi sắc trở lại, lượng khách đến Hội An khá đông. Nhưng theo phản ánh của nhiều người, doanh thu không cao, lại thêm việc thị trường nhà đất “lao dốc”, nên nhiều chủ nhà rao bán nhà trong phố cổ.

Theo ghi nhận của PV Báo PLVN, thời gian qua, tại các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi ở trung tâm phố cổ Hội An, rất nhiều căn nhà đang được rao bán.

Điển hình như căn nhà cổ tại đường Nguyễn Thái Học diện tích 107m2 được rao bán với giá 38 tỷ đồng. Chủ ngôi nhà này cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc kinh doanh ế ẩm, gia đình muốn chuyển ra Đà Nẵng kinh doanh nghề khác nên muốn bán đi. Hiện nhà đang được cho thuê với giá gần 100 triệu đồng/tháng. “Anh chị cứ vào xem nhà thoải mái, giá ban đầu như vậy, có thể tham khảo ở chỗ khác rồi thương lượng với nhau để thống nhất giá bán cuối cùng”, chủ ngôi nhà nói.

Một ngôi nhà 2 tầng với diện tích gần 200m2 tại đường Trần Phú cũng đang được chủ nhà rao bán với giá 42 tỷ đồng. Theo chủ nhà, ngôi nhà này đã mấy trăm năm tuổi, từ thời ông tổ của ông để lại; con cháu thay nhau giữ gìn và làm ăn, sinh sống tại đây. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh khiến công việc kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn, đành phải bán.

Một căn nhà cổ khác cũng ở đường Trần Phú diện tích hơn 165m2 đang được rao bán với giá 37 tỷ đồng. Căn nhà khác 2 tầng có tầm nhìn sông nằm ngay mặt tiền đường Bạch Đằng, gần chùa Cầu, thì được rao bán với giá 55 tỷ đồng, tính ra hơn 500 triệu đồng/m2. Đáng lưu ý, trước đó thời gian ngắn, ngôi nhà này được rao bán hơn 60 tỷ đồng.

Theo một môi giới nhà đất ở Hội An, hiện nhiều ngôi nhà trong TP, đặc biệt khu phố cổ, rao bán công khai cũng có, mà âm thầm cũng nhiều, nhưng có điểm chung đều rất “kén khách”. “Trước dịch, thị trường nhà cổ Hội An khá sôi động, giá cao. Nhưng hiện nay giá đã rớt thê thảm, có nhà giảm 30 - 40% nhưng chẳng ai mua. Có nhiều nhà treo bảng cả năm trời, giảm đi giảm lại mấy lần mới bán được. Hiện do tâm lý người mua sợ bị hố, nên họ chờ giá xuống nữa”, vị này nói.

30% chủ nhà trong vùng lõi phố cổ là người tỉnh khác

Tại một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An đã thông tin về việc hàng loạt ngôi nhà trong trung tâm phố cổ được rao bán.

Ông Sơn cho biết, nhiều ngôi nhà trong trung tâm phố cổ Hội An được rao bán thuộc sở hữu của một số người ở tỉnh khác. Trải qua 2 năm đại dịch, tình hình kinh doanh của những chủ nhà và khách thuê tại đây không còn như trước nên họ rao bán, chứ thực chất không phải người dân Hội An bán nhà cổ. “Họ đưa ra cái giá “trên trời” nên rất khó để mua. Còn nếu người dân phố cổ Hội An rao bán, chúng tôi sẽ tiếp cận tìm hiểu thông tin ngay. Với địa phương, không bao giờ khuyến khích việc bán nhà cổ”, ông Sơn nói.

Theo Chủ tịch UBND Hội An, hiện nay, ước tính 30% chủ nhân của các ngôi nhà trong vùng lõi phố cổ là người ở Hà Nội, TP HCM. Họ mua nhà để cho thuê lại, do đó họ ít khi có mặt tại nhà nên cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là cháy nhà. Bên cạnh đó, có đến 40% chủ ngôi nhà người gốc Hội An nhưng họ dọn ra nơi khác ở, còn nhà trong phố cổ dùng cho thuê lại. Còn những ngôi nhà cổ công sản được cho thuê không đúng mục đích đã được địa phương xử lý và tiến hành trùng tu. “Sắp tới, TP sẽ làm đúng phương án khai thác, đấu giá để trả lại chức năng hoạt động như đầu thế kỷ 20”, ông Sơn thông tin.

Có ý kiến cho rằng việc hàng loạt ngôi nhà cổ bị rao bán có khiến cho phố cổ Hội An dần bị mất đi “phần hồn”. Ông Sơn xác nhận, hiện lượng người bản địa Hội An sinh sống trong khu phố cổ đang ngày một giảm dần. “Đây đang là nỗi lo của TP trong vấn đề gìn giữ “hồn phố”. Hiện chỉ còn khoảng 30% người gốc Hội An còn ở trong đó. Việc này nhìn thấy rõ khi dịch bùng phát, trong phố cổ chỉ thấy lác đác những nhà người dân ở, còn lại đóng cửa hết. Hiện có hơn 3.000 cư dân sinh sống trong khu phố cổ”, ông Sơn nói.

Ông Sơn thông tin thêm, hiện TP đang chuẩn bị xây dựng đề án “phục hồi hồn phố”, nhằm đưa cư dân bản địa quay lại khu phố cổ. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho người ở nơi khác tới mua nhà ở phố cổ hiểu rằng họ đang sở hữu di sản quý giá để không biến ngôi nhà này thành nơi buôn bán đơn thuần. Nếu thuận lợi về cơ chế và nguồn lực, Hội An cũng sẽ triển khai mua lại các nhà cổ kết hợp hệ thống nhà cổ Nhà nước sở hữu hiện tại, để sắp xếp cho cư dân bản địa thuê sinh sống nhằm bảo tồn hồn cốt phố thị.