Hà Nội chuyện cũ, chuyện mới (Kỳ 8): Đằng sau mặt tiền các nhà phố cổ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Lần trước tôi đã kể về sự “oai” khi có nhà ở phố cổ Hà Nội! Nhất là phố cổ bắt đầu từ chữ “Hàng”! Nhưng nếu có nhà ở Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường thì sự “oai” phải tăng gấp đôi, gấp ba! Mà lại nhà mặt phố, có cửa hàng ở các phố này thì sự “oai” phải … thôi rồi! Khỏi phải nói!

Tôi đã từng một thời “oai” như thế! Nhưng nói thật, bây giờ ngoái đầu nhìn lại mới thấy cũng… không “oai” lắm! Và tự cười một mình! Bởi ấy là nhìn mặt ngoài phố buôn bán sầm uất thế thôi chứ đi sâu vào bên trong nhìn thấy điều kiện sống, cảnh quan, môi trường vệ sinh của các hộ thì thật là…kinh hoàng:

Thời xa xôi mỗi số nhà một chủ thì không nói làm gì. Sau năm 1954, ở các phố cổ này mỗi số nhà chia cho hàng chục hộ gia đình với mấy chục con người. Nhà ở đây hầu hết là nhà ống sâu hun hút. Mỗi gia đình quây lại một gian; nhà thì được gian to, nhà khác được gian nhỏ, thậm chí có nhà chỉ được một gian nhỏ xíu nhỉnh hơn chiếc chiếu đôi. Khách vào nhà phải đứng yên hoặc ngồi luôn xuống sàn không dám đụng đậy bởi giơ tay thì chạm sàn gác xép hoặc va đập tay vào tường hay vách ngăn!

Ngõ nhỏ hẹp, sâu hun hút ở một số nhà trong phố cổ.

Ngõ nhỏ hẹp, sâu hun hút ở một số nhà trong phố cổ.

Có thể nhiều người, nhất là các bạn trẻ thời nay không tưởng tượng được cái gác xép là thế nào. Sao lại phải làm gác xép. Nó thế này: Vì nhà diện tích nhỏ, không đủ chỗ nằm ngủ cho các thành viên trong gia đình, nhất là nhà lại có tới 3-4 thế hệ ở cùng nên phải làm thêm gác xép. Gác xép chính là gác lửng trong nhà được làm từ các thanh xà gỗ cắm vào tường, trên các thanh xà đó đặt các tấm ván lấy từ các thùng bao bì hoặc gỗ dán kiếm được từ đâu đó. Từ nền nhà tới đáy gác xép chỉ tầm 1,8 đến 2 mét, ai cao quá khổ rất dễ chạm đầu vào đáy các thanh xà.

Cửa lên gác xép là một lỗ chui lọt người. Nhà nào rộng một chút thì còn làm được cái cầu thang gỗ be bé bắc lên dựng đứng. Nhà nào hẹp, không để được cầu thang thì phải làm mấy thanh sắt uốn hình chữ “U” cắm vào tường để làm bậc leo lên!

Gác xép nhiều nhà do trần thấp nên khi đã ở trên đó thì chỉ có ngồi hoặc nằm. Đã rất nhiều lần do quên hoặc buổi sáng ngủ dậy mắt nhắm mắt mở, cứ tưởng mình đang ở dưới nhà, thản nhiên đứng lên thì…ôi thôi…! Ôm đầu và sờ lên đầu thấy có “quả ổi” to tướng!

Thật là nỗi khổ không biết chia sẻ cùng ai cho các gia đình nào có mấy đôi vợ chồng anh em ruột ở chung. Đôi nằm gác xép, đôi nằm dưới sàn đã là may mắn. Nhiều nhà không được như thế, cái gác xép chật chội bé tí ấy chứa 2 thậm chí 3 đôi vợ chồng trẻ. Khi màn đêm buông xuống, đến lúc phải nghỉ ngơi thì ranh giới giữa các cặp vợ chồng ấy chỉ là tấm ri - đô vải mỏng manh.

Nhiều đôi vợ chồng trẻ đêm “yêu nhau” không dám thở mạnh… Ngày ấy lấy đâu ra “nhà nghỉ” hay khách sạn để các cặp vợ chồng trẻ có chỗ đi “sơ tán” để tạo điều kiện “chiều” nhau… Có thể nói những năm ấy là “thời của gác xép” bởi “nhà nhà” ai cũng phải làm như thế thì mới có đủ chỗ ngủ cho mọi người trong nhà!

Vì là một căn nhà lớn trước đây chỉ có một chủ, nay chia thành nhiều gian cho các hộ gia đình nên nhiều nhà không có tí ánh sáng mặt trời nào, suốt ngày phải thắp đèn. Thời điện đóm phập phù hồi thập niên 60, 70, 80 thậm chí sang đầu những năm 90, ban ngày bị cắt điện thì nhiều nhà phải thắp ngọn đèn dầu. Ngồi trong nhà ban ngày mà tù mù cứ như đang ngồi trong cái am thờ!

Để vào các gia đình bên trong chỉ có mỗi con hẻm được ngăn ra, chiều rộng tầm 70 phân. Thời chỉ có xe đạp còn có thể dễ dắt ra dắt vào. Nhưng đến thời xe máy thì quả là gian nan. Muốn dắt xe máy vào, ra chỉ có mỗi cách là ngồi lên yên xe rồi dùng chân “bơi” vào! Đấy là xe máy cỡ nhỏ và cỡ “trung” kiểu xe Honda có “yếm”, còn anh chị nào có xe tay “côn”, ghi-đông xe máy vểnh như sừng trâu thì chỉ có “nước” đi gửi xe ngoài bãi! Ấy là còn may có chỗ để mà ngăn ra lối đi riêng.

Nhiều số nhà do căn nhà hẹp, ngăn lối đi riêng thì hết diện tích, nên các hộ bên trong cứ phải “nghễu nghện” vào ra là phải đi qua nhà ngoài, bất kể nhà bên ngoài lúc ấy mọi người đang ăn cơm, tiếp khách hay đang nằm nghỉ! Lắm đêm đã khuya, đang ngủ, có người bên nhà trong đi làm hay đi chơi về muộn, quên đem theo chìa khóa, gọi người léo nhéo để ra mở cửa, làm cả nhà bên ngoài mất giấc ngủ! Vô cùng bất tiện.

Vợ chồng tác giả đứng ở cửa hàng của mình, đầu thập niên 90.
  • Vợ chồng tác giả đứng ở cửa hàng của mình, đầu thập niên 90.

  • Chỗ ở là vậy còn chỗ nấu nướng ăn uống cũng không kém phần gian nan! Sống trong điều kiện chật chội ấy thì gầm giường là “tổng kho”: thùng gạo, can dầu hỏa để đun hay thậm chí bó củi dự trữ… cũng nằm dưới đó.

    Còn đun, mỗi nhà có cái bếp dầu “chạy” lưu động, tiện chỗ nào đặt đun chỗ đó! Mà ngày ấy quà bánh hay cơm hàng lấy đâu ra. Muốn có cái ăn thì phải ngày đỏ lửa bếp 2- 3 lần, không thì nhịn đói! Mỗi khi đun nấu xong, tắt bếp dầu mùi khét nồng nặc “tra tấn” cả xóm! Sống trong khung cảnh như thế, nhà ai ăn gì, uống gì chẳng giấu nhau được…

    Nhớ mãi cảnh nhà nào có người ốm, được “ưu tiên” ra hàng bồi dưỡng bát phở thì thường bọc theo gói cơm nguội để trộn thêm vào bát phở lèo tèo cho “chắc” dạ. Chỗ nấu nướng chật chội, cái đun khó khăn, đến đun ấm nước sôi cũng ngại, nên khi nhà có khách thì chủ nhà đành chịu khó xách cái phích ra chỗ tổ phục vụ ở đầu phố làm mấy hào nước sôi.

    Cái ăn, chỗ ở đã vất vả nhưng nơi tắm rửa hay chỗ để giải quyết “đầu ra” bây giờ nghĩ lại và chứng kiến một số số nhà vẫn còn cảnh ấy mới thực sự kinh hoàng và không khỏi rùng mình!

    Mấy chục con người của cả chục gia đình trong mỗi số nhà ấy chỉ có một nhà vệ sinh duy nhất kiểu “hai ngăn”, cửa giả sập sệ, hỏng hay gẫy cũng chẳng ai thay, ai chữa vì “cha chung không ai khóc”, nên nó đã trở thành nhà vệ sinh không có cửa. Mỗi lần cần vào “chỗ ấy” để “giải quyết” thì cách từ mấy bước trước đó phải “dặng hắng” đánh tiếng để xem có tiếng “dặng hắng” hay tiếng nói “có người” ở trong vọng ra hay không. Không thấy thì mới dám chui vào. Nhà “vệ sinh” kiểu ấy mỗi khi để lâu không có người đến lấy phân, các hố bị quá tải, phân bị trào như giống như dòng “nham thạch” nhỏ đùn ra từ khe núi lửa mi- ni!

    Tôi còn nhớ mãi cảnh giở khóc giở cười với mình vào một ngày của cuối thập niên 80 ấy: Hôm đó tôi đang đứng trông cửa hàng giúp vợ, tình cờ có đôi vợ chồng ông bà “Tây” là chuyên gia chỗ tôi làm việc, ngày nghỉ họ đi dạo phố cổ, ghé vào cửa hàng nhà tôi. Đứng nói chuyện một lúc thì bà vợ tế nhị ghé tai tôi hỏi nhỏ: “Có thể cho tôi đi nhờ nhà vệ sinh được không?”.

    Tôi thật sự khó xử và lưỡng lự một phút, sau đó trả lời bà ta: “Cũng được! Nhưng bà thông cảm cho là nhà vệ sinh chung của cả số nhà, không được tiện nghi lắm, lại nằm tít sâu bên trong, phải đi qua suốt cả dãy nhà đấy”. Tôi chỉ lối cho bà “Tây” đi vào. Và tôi quay ra. Vừa quay ra, đi được mấy bước tôi thấy bà ta hớt hải chạy theo, một tay bịt mũi, tay kia xua lia lịa, mồm nói to “No! No! No!...”. Tôi hiểu ngay chuyện gì xẩy ra. Bà ta thấy nhà vệ sinh “kinh” quá nên không dám vào!

    Nhiều nhà trong phố cổ hiện vẫn còn nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh như thế này.
  • Nhiều nhà trong phố cổ hiện vẫn còn nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh như thế này.

  • Chuyện tắm rửa cũng thật gian nan. Nhà tắm của các hộ nơi phố cổ hầu hết là gầm cầu thang ngoài trời của chung cả số nhà. Số nhà nào cầu thang chung vững chãi rộng rãi còn đỡ, số nhà nào cả nhà và cầu thang xuống cấp ọp ẹp thì thật khổ. Trong những năm chiến tranh Hoa Kỳ ném bom Hà Nội cuối thập niên 60 đầu thập niên 70, các gầm cầu thang này kiêm thêm chức năng hầm trú ẩn mỗi khi có còi báo động của thành phố rú lên.

    Hết chiến tranh, gầm cầu thang chỉ còn chức năng làm nhà tắm của cả số nhà. Ai tắm thì tự hứng nước từ cái vòi nước chung chảy ri rỉ bên ngoài, xách xô vào. Cửa giả xộc xệch, đèn đóm không có, chuột bọ làm ổ, gián bay vù vù… Cái nhà tắm ấy chủ yếu chỉ “phục vụ” cho đàn bà, con gái, còn đàn ông và trẻ con thì tắm ở ngoài sân. Trời rét hay nóng cũng chỉ có thế!

    Tình trạng này kéo dài tới đầu những năm 2000 và đến nay vẫn còn không ít. Phố cổ Hà Nội, đằng sau các cửa hàng mặt phố hào nhoáng là như thế…

    Đọc thêm