Ngày 29/10, đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về việc ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão số 9.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã báo cáo nhanh với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và các thành viên trong đoàn công tác về những thiệt hại ban đầu của tỉnh sau khi cơn bão số 9 đổ bộ vào.
Theo thống kê đến tối qua (28/10), bão số 9 là làm 13 người bị thương; 165 nhà dân bị sập; 84.499 nhà tốc mái, hư hỏng; gần 300 trụ sở cơ quan tốc mái, hư hỏng; 151 điểm trường học bị tốc mái, hư hỏng; chợ Sông Vệ và chợ Nghĩa Phú bị tốc mái; một số ca nô, thuyền neo trú tại cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm....
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác kiểm tra thực tế ở kè Thạch By, Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) |
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống mưa, lũ sau khi bão số 9 đi qua. Đồng thời, sơ tán, di dời 26.000 người dân lưu vực sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Sau khi nghe tỉnh Quảng Ngãi báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra trên địa bàn tỉnh khi đổ bộ, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc chủ động ứng, phó với bão của tỉnh Quảng Ngãi và cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi nằm trong tâm bão nên thiệt hại rất nặng nề, nhưng điều đáng mừng nhất là không có thiệt hại về người. "Đây được xem là thành công của Quảng Ngãi trong công tác chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức ứng phó với bão số 9" - Bộ trưởng đánh giá.
Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản của người dân Quảng Ngãi là rất lớn, nhiều ngôi nhà của người dân bị hư hỏng nặng. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung tổ chức đưa những hộ dân di dời, sơ tán tránh bão trở về nhà an toàn; tiếp tục ra soát di dời dân ở những vũng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao ngập sâu, chia cắt, sạt lở đến nơi an toàn;
Lên kế hoạch dồn sức hỗ trợ khắc phục các nhà dân bị sập đổ, bị tốc mái, hư hỏng để ổn định dân sinh; sửa chữa, khắc phục ngay cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là điện, nước, các công trình giáo dục, y tế,…trong thời gian nhanh nhất có thể. Tỉnh phải giám sát chặt chẽ thị trường hàng hóa, không để xảy ra tình trạng nâng giá; lưu ý đến vấn đề xử lý môi trường sau bão, lũ…