Tại phiên chất vấn, có 10 đại biểu đăng ký chất vấn với 11 vấn đề, liên quan đến 6 sở, ngành của tỉnh. Căn cứ vào các nội dung đại biểu đăng ký và vấn đề cử tri quan tâm, phiên chất vấn sẽ tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính gồm: Quản lý GD&ĐT, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Quản lý rừng đầu nguồn, đảm bảo an ninh nguồn nước; Đầu tư, quản lý khoáng sản; Giải pháp trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
Sẽ chuyển đổi 17.119ha rừng sản xuất sang rừng phòng hộ
Trả lời chất vấn của đại biểu về tình hình quản lý và các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn để đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Công cho biết: Hiện tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là gần 423.000ha, chiếm 70,61% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.
Để duy trì diện tích, độ che phủ rừng, thời gian qua, ngành đã tham mưu cho tỉnh về công tác điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đã điều chỉnh gần 9.277ha rừng sản xuất sang rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ theo quy chế rừng phòng hộ góp phần bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh thủy cho các hồ, đập trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020, ngành cũng đã tích cực thực hiện khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, diện tích khoán tăng đều qua các năm đặc biệt là các diện tích rừng ở các vị trí phòng hộ xung yếu, rừng tự nhiên. Năm 2020, diện tích rừng phòng hộ được cấp kinh phí khoán bảo vệ là 44.527ha/102.806,2ha diện tích có rừng phòng hộ; giai đoạn 2014 đến nay đã trồng được 1.908,71ha rừng phòng hộ.
Bên cạnh đó, một số đơn vị đã thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để tăng cường công tác trực, tuần tra, kiểm soát phát hiện vi phạm và xây dựng, triển khai quy chế phối hợp giữa các đơn vị trên địa bàn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong 3 năm, từ năm 2018 - 2020 các lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 430 vụ, trong đó: xử lý hình sự 8 vụ, xử lý hành chính 422 vụ.
Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn thành thực hiện Đề án chuyển loại rừng với tổng diện tích rừng sẽ chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ là 17.119ha.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công trả lời chất vấn. |
Đồng thời, căn cứ vào nguồn lực từ ngân sách tỉnh, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 ưu tiên triển khai cho những vị trí thuộc lưu vực các lòng hồ trọng điểm đã xây dựng, tích nước cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất tại 7 địa phương với tổng diện tích là 4.217ha.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất có rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn sang mục đích khác; thực hiện khoán bảo vệ rừng, đặc biệt là các diện tích rừng tự nhiên ở vị trí cao, xa tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại; bảo vệ và phục hồi hiệu quả tối đa diện tích rừng tự nhiên; xây dựng danh mục các loài cây trồng phù hợp với chức năng phòng hộ của rừng; hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đối với các chủ rừng là tổ chức.
Về vấn đề chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo yêu cầu theo phản ánh của các cử tri, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước sạch Quảng Ninh Vũ Văn Tuấn khẳng định: Đây chỉ là vấn đề xảy ra cục bộ tại một số điểm trên địa bàn tỉnh, không phản ánh chất lượng hệ thống. Hiện Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đang phục vụ 11/13 huyện, thị xã, thành phố với gần 245 ngàn khách hàng cá nhân và 5.050 khách hàng cơ quan, doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước sạch Quảng Ninh Vũ Văn Tuấn giải đáp các vấn đề về chất lượng nước sinh hoạt. |
Nguyên nhân gây ra tình trạng chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo yêu cầu là do mạng lưới cấp nước của Công ty trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn hơn 182km đường ống thép, ống tráng kẽm các loại, đã sử dụng lâu năm, dẫn đến việc lão hóa, ảnh hưởng đến chất lượng cấp nước.
Hiện mỗi năm, Công ty đã và đang đưa vào Kế hoạch hơn 100 tỷ đồng để thay thế thành ống HDPE, dự kiến đến 2025 sẽ cơ bản hoàn thành, đồng thời tích cực phối hợp với các cấp, ngành chức năng trong quản lý hồ đập, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chất lượng nước từ nguồn; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tăng cường công tác tuyên truyền đến khách hàng trong công tác bảo vệ tài nguyên nước...
Dự kiến tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thông qua 28 nghị quyết và sẽ diễn ra trong 2,5 ngày từ 7 đến 9/12.