Quảng Ninh: Không còn thôn, bản "trắng" đảng viên

Thành lập mới 372 chi bộ; xóa hết thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố, phát triển Đảng khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh -đây là kết quả cao trong công tác phát triển Đảng của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2005-2010.

Thành lập mới 372 chi bộ; xóa hết thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố, phát triển Đảng khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh -đây là kết quả cao trong công tác phát triển Đảng của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2005-2010.

dv
Một buổi sinh hoạt chi bộ tại Khu phố 9, phường Hồng Hải, 
thành phố Hạ Long

Xóa hết thôn, bản “trắng” đảng viên

Là huyện miền núi ở miền Đông của tỉnh Quảng Ninh với 1/2 dân số là người dân tộc thiểu số, mặc dù địa hình khó khăn, dân trí thấp song Tiên Yên lại là  một điểm sáng của tỉnh trong việc xóa thôn, bản “trắng” đảng viên.

Năm 2008, trong tổng số 14 thôn, bản của tỉnh chưa có đảng viên, có hơn một nửa số thôn, bản nằm trên địa bàn huyện Tiên Yên. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều thôn, bản trong huyện “trắng” đảng viên trong nhiều năm là do đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí của người dân quá thấp, chưa nhận thức đầy đủ và cũng chưa đủ điều kiện để kết nạp Đảng.

Để tất cả mọi thôn, bản đều có đảng viên, Ban Thường vụ Huyện uỷ Tiên Yên đã xây dựng đề án: "Xoá thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có tổ chức Đảng giai đoạn 2008 - 2010". Theo đó, các nội dung của đề án đã được các cấp uỷ cụ thể hoá bằng các chương trình hành động phù hợp, sát với điều kiện thực tế, đặc thù của từng xã. Cán bộ xã phải đến từng thôn, bản để kiểm tra, lập danh sách các đối tượng phù hợp; sau đó vận động, thuyết phục, giúp đỡ các đối tượng tham gia các lớp học bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ văn hóa; tham gia lớp bồi dưỡng về Đảng. Cách giảng dạy cũng phải hết sức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng.

Huyện Ba Chẽ, nơi có nhiều thôn, bản chưa có đảng viên cũng đã xây dựng Đề án tập trung cao độ cho nhiệm vụ này, trong đó, chú trọng đưa các quần chúng ưu tú vào những chương trình, phong trào cụ thể, qua đó rèn luyện, thử thách giúp quần chúng nhanh chóng trưởng thành và là nguồn để phát triển Đảng.

Còn ở thành phố Hạ Long, nơi một bộ phận dân số sống trên Vịnh Hạ Long, thì việc bồi dưỡng, phát triển Đảng tại các làng chài cũng phải áp dụng những hình thức tương tự. Đây đã trở thành một cách làm hay và được nhân rộng trong toàn tỉnh.

Kết quả là trong nhiệm kỳ 2005-2010, bằng nhiều nỗ lực, các giải pháp cụ thể, sát thực, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập được thêm 372 chi bộ, xóa hết thôn, bản “trắng” đảng viên. Đây là kết quả lớn mà các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh đã đạt được.

Phát triển đảng viên trẻ

Chú trọng công tác bồi dưỡng và phát triển đảng viên trẻ, trong hai nhiệm kỳ gần đây, Quảng Ninh trở thành một trong 5 tỉnh có số lượng đoàn viên thanh niên nhiều nhất cả nước được kết nạp vào Đảng. Từ năm 2001 đến năm 2009, các cấp bộ đoàn đã bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp Đảng đối với 30.647 đoàn viên ưu tú, trong đó có 16.435 đoàn vn iêđã được kết nạp vào Đảng.

Tỷ lệ đảng viên kết nạp từ đoàn viên luôn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng hằng năm. So với năm 2000, tỷ lệ này của năm 2009 tăng gần 30%, cao hơn mức trung bình của cả nước.

Bên cạnh đó, trình độ mọi mặt và vai trò của đội ngũ đảng viên trưởng thành từ đoàn viên cũng ngày càng tăng, số đảng viên trẻ mới được kết nạp tuổi dưới 30 chiếm tỷ lệ đa số, trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị ngày một cao hơn. Đa số đảng viên trẻ có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên, phần lớn có trình độ cao đẳng, đại học; tỷ lệ đảng viên trẻ có trình độ lý luận chính trị trung cấp tăng, nhiều đảng viên trẻ đã sớm có trình độ lý luận chính trị cao cấp. 40% - 50% số đảng viên trẻ được kết nạp hằng năm là công nhân trực tiếp lao động sản xuất trong ngành than.

Quan tâm phát triển Đảng trong doanh nghiệp
 
Hoạt động của các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước được duy trì có nề nếp. Đa số cấp ủy đã phát huy được vai trò, duy trì được sự lãnh đạo trong doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện được quy chế làm việc. Cấp ủy đã tham gia lãnh đạo và thực hiện các nhiệm vụ xản xuất kinh doanh, công tác tổ chức cán bộ, công tác tư tưởng; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, đời sống nhân dân được cải thiện.
 
Ngoài ra, các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức đoàn thể quan tâm, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thành lập tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc thành lập tổ chức Đảng, công đoàn trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy chưa nhiều nhưng bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của giới chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc quán triệt và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
 
Hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp được duy trì đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của cấp ủy cấp trên đến đảng viên trong doanh nghiệp; tham gia lãnh đạo đối với chủ doanh nghiệp trong thực hiện pháp luật, phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững; bước đầu tạo được niềm tin, chỗ dựa tinh thần của người lao động đối với tổ chức Đảng. Chính nhờ sự phát triển và uy tín của tổ chức đảng nên một số chủ doanh nghiệp chưa là đảng viên có nguyện vọng muốn phấn đấu trở thành đảng viên. 

Từ năm 2006 đến hết tháng 6-2010, Quảng Ninh đã kết nạp được 15.233 đảng viên mới, tăng trên 5% so với tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh; trong đó, ở thôn, bản, khu phố kết nạp được 2.239 đảng viên mới; ở trường học là 1.481 đảng viên; ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 333 đảng viên; còn lại là ở những đơn vị khác. 

Là địa phương có tốc độ phát triển KT-XH cao so cả nước, song do địa bàn đa dạng với miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... nên công tác phát triển Đảng của Quảng Ninh có nhiều khó khăn đặc thù.  Tuy nhiên, kết thúc nhiệm kỳ 2005-2010 cũng là khi Quảng Ninh bước qua một bước phát triển mới trong công tác phát triển Đảng, với kết quả không còn một thôn, bản nào không có đảng viên. 

Đây là một trong những yêu tố đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.

Theo QNP

Đọc thêm