Nhờ đó, từ tháng 5 đến nay, đơn vị cùng các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 địa phương đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ được nhiều vụ nhập lậu lợn từ biên giới.
Cụ thể, ngày 9/5, tại barie Trạm biên phòng Cửa khẩu Bắc Phong Sinh huyện Hải Hà, bắt đối tượng điều khiển xe ô tô tải BKS 17C-05107, vận chuyển 13 con lợn (1,3 tấn) nhập lậu từ Trung Quốc, ngày 31/5, tại khu vực dốc Tài Phật, bản Mả Thầu Phố, xã Quảng Đức, phát hiện Nguyễn Thị Nhàn (SN 1983, trú tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) dùng xe máy vận chuyển 80kg thịt lợn thương phẩm không rõ nguồn gốc đi tiêu thụ.
Ngày 4/6, tại bản Tài Chi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Quảng (SN 1982, trú tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) điều khiển xe tải BKS 14C-17092, vận chuyển 23 con lợn nái thải loại (2,3 tấn) có nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Gần đây nhất, ngày 8/7, Đội tuần tra Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) phát hiện vụ vận chuyển 150kg lợn thịt có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Xe chở lợn nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ |
Từ tháng 4/2018 trở lại đây, giá thịt lợn trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng có xu hướng tăng. Lợi dụng tình trạng này, một số đối tượng ở biên giới tỉnh đã tranh thủ nhập lậu lợn thịt, lợn giống từ biên giới Trung Quốc vào Quảng Ninh tiêu thụ. Để ngăn chặn, kiểm soát tình trạng trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên từ tỉnh đến các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống nhập lậu lợn giống, lợn thịt ngay từ biên giới.
Ông Nguyễn Văn Thoại, Phó Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cho biết: thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các đội QLTT, nhất là các đội có cửa khẩu như số 4, 9, 10 (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu) chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng BĐBP, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở, qua đó phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, nhập lậu lợn thịt, sản phẩm từ thịt lợn và lợn giống từ Trung Quốc về Quảng Ninh.
Đồng thời, Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT phối hợp chặt chẽ với ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, chính quyền địa phương rà soát các cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ, kinh doanh thịt lợn trên địa bàn để có biện pháp quản lý. Nếu phát hiện trường hợp nào buôn bán, vận chuyển, kinh doanh lợn có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng, kiên quyết thu giữ, tiêu hủy, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thịt lợn nhập lậu được vận chuyển bằng nhiều phương tiện |
Các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình cơ sở và xây dựng lực lượng cơ sở để thông tin kịp thời các trường hợp vi phạm, nhằm có biện pháp giải quyết triệt để, không để phát sinh thành điểm nóng, phức tạp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thoại, quá trình đấu tranh phòng, chống việc nhập lậu lợn từ biên giới lực lượng cũng luôn gặp phải những khó khăn.
Đó là các đối tượng vận chuyển lợn nhập lậu thường sử dụng các hình thức rất tinh vi, như: Lợi dụng đêm tối, các đối tượng sang Trung Quốc, bắt từng con cho vào lồng khênh về điểm tập kết đã có phương tiện chờ sẵn để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ, nhiều đối tượng vận chuyển lợn về thả vào chuồng của nhà dân ở khu vực biên giới, nhằm “hợp thức hóa”, sau đó xuất cả đàn nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh nguồn gốc. Thậm chí, một số người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số giáp biên giới ban ngày đi làm, tối đến lội qua suối, sang bên kia biên giới gánh lợn thuê, mỗi con được trả công từ 20.000-150.000 đồng tùy loại.
Để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn từ Trung Quốc về Việt Nam ngay từ biên giới đạt hiệu quả, bên cạnh việc nỗ lực của lực lượng chức năng rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành, đoàn thể, nhất là ở các xã giáp biên giới trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân. Cùng với đó, cũng cần khuyến cáo người tiêu dùng khi mua lợn giống, lợn thịt, phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, có như vậy mới góp phần chặn đứng tình trạng nhập lậu lợn từ biên giới vào Việt Nam ngay từ biên giới đạt hiệu quả.