Những kết quả nổi bật trong phát triển hạ tầng đô thị
Năm 2011, tỉnh có 14 đơn vị hành chính với 15 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, còn lại là đô thị loại V. Đến nay với 13 đô thị, tỉnh có 1 đô thị loại I (Hạ Long), 3 đô thị loại II (Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái), 2 đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều), 2 đô thị loại IV (thị trấn Tiên Yên; thị trấn Cái Rồng), 5 đô thị loại V (thị trấn Quảng Hà; thị trấn Đầm Hà; thị trấn Cô Tô; thị trấn Bình Liêu; thị trấn Ba Chẽ). Các đô thị được nâng cấp đều đã thể hiện rõ nét nhất về tốc độ tăng trưởng và phát triển của tỉnh.
Thay đổi một cách rõ nét nhất là đô thị Hạ Long với những công trình, dự án lớn, như: Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Bảo tàng - Thư viện tỉnh... là điểm đến hấp dẫn người dân và du khách. Nhiều tuyến đường trở thành kiểu mẫu trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, khang trang và sạch đẹp, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị của thành phố, như: Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, tuyến đường 10 làn xe kết nối khu du lịch Bãi Cháy với cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn; đường bao biển Bãi Cháy...
Đường Trần Quốc Nghiễn - TP. Hạ Long làm thay đổi đáng kế diện mạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh TL |
Việc kết cấu hạ tầng thành phố được phát triển đồng bộ đã tăng cường khả năng kết nối vùng, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, đô thị, thương mại, dịch vụ đến với Hạ Long.
Nhờ đó, nhiều công trình văn hóa, trung tâm thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí hiện đại mang đẳng cấp quốc tế đã hiện diện trên địa bàn thành phố, như: Khu vui chơi, giải trí Sun World Hạ Long Park, Công viên hoa Hạ Long, Trung tâm thương mại Vincom, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long Resort; Tổ hợp nghỉ dưỡng FLC. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng cơ sở, quy hoạch không gian đô thị và dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục được đầu tư cải thiện mạnh mẽ.
Các đô thị như Uông Bí, Đông Triều đang dần trở thành trung tâm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, động lực trong chuỗi đô thị - công nghiệp xanh phía Tây của tỉnh. Đô thị Cẩm Phả đang được xây dựng theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại, đồng bộ, bền vững, điển hình về chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Cầu Cửa Lục được kỳ vọng sẽ tạo nên những xung lực phát triển mới cho Quảng Ninh. Ảnh TL |
Để có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại như vậy, thời gian qua tỉnh đã huy động nguồn lực lớn nâng cấp tất cả các đô thị trên địa bàn đảm bảo mục tiêu liên kết, đồng bộ và phát huy thế mạnh của từng địa phương; đồng thời tạo đột phá mới phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh ước đạt 123.044 tỷ đồng.
Riêng năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng tỉnh đã khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư 9 dự án, công trình động lực, tổng vốn đầu tư 32.338 tỷ đồng, gồm: Đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cầu Cửa Lục 1; cầu Cửa Lục 3; Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Hưng (TP Hạ Long); Khu du lịch, dịch vụ, đô thị ven biển tại phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả); Nút giao Đầm Nhà Mạc; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 1; đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338 giai đoạn 1; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Đồng thời, hoàn thành và gắn biển 10 công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tổng mức đầu tư trên 5.649 tỷ đồng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho tỉnh.
Đột phá về hạ tầng đô thị là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội
Những đột phá về hạ tầng đô thị đã làm thay đổi rõ nét diện mạo của tỉnh Quảng Ninh, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Quảng Ninh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Theo chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, Quảng Ninh xác định tiếp tục tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng nhanh, bền vững, là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, phát huy vai trò hạt nhân, đầu mối giao thông và là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước.
Một góc TP. Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh TL |
Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh: Lộ trình đến năm 2025 Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa tỉnh đạt 75%. Đến năm 2030 đô thị hóa đạt đến 80%, dân số đô thị của tỉnh trên 1,5 triệu người, có 7 thành phố lõi/12 đơn vị hành chính. Kinh tế hạ tầng tương đương với đô thị loại 1.
Vì vậy, sau khi Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030 được phê duyệt, các địa phương tiếp tục lập chương trình phát triển cho từng đô thị địa phương. Đối với công tác quy hoạch, Sở tham mưu với tỉnh để nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, có tính linh hoạt đảm bảo thích ứng với điều kiện thực tiễn để phát huy tối đa nguồn lực và thu hút đầu tư.
Từ những chiến lược được hoạch định đúng đắn và bài bản của Quảng Ninh qua nhiều nhiệm kỳ có tính kế thừa, sáng tạo phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển mang tính thời đại, Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện thần kỳ trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là một trong những cực tăng trưởng kinh tế năng động của khu vực phía Bắc.