Xem xét lại
Trong Văn bản số 4113 ngày 31/10 của UBND TP.Hạ Long gửi Báo PLVN cho rằng, ở dự án Trung tâm thể thao vùng Đông Bắc đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT phối hợp với UBND phường Đại Yên và các cơ quan chuyên môn của TP.Hạ Long triển khai tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB).
Cơ quan này cũng cho biết, sau khi nhận được 37,561 tỷ đồng từ cấp tỉnh “rót” xuống, họ đã thông báo cho các hộ dân đến nhận tiền và bàn giao mặt bằng nhưng 18 hộ dân (mà Báo phản ánh) đã cố tình không nhận tiền, bàn giao mặt bằng, gửi đơn khiếu nại, trong khi các nội dung này đã được trả lời bằng văn bản và đối thoại nhiều lần.
“Việc xác định loại đất căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm ổn định, liên tục từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất đến thời điểm thông báo thu hồi đất để bồi thường, hỗ trợ, căn cứ vào xác nhận của UBND phường Đại Yên là đúng quy định pháp luật” - văn bản của UBND TP.Hạ Long nêu.
Với thái độ thận trọng trước khiếu nại của dân, sau khi Báo PLVN phản ánh, ngày 10/10/2013 cơ quan này đã ban hành Quyết định số 2378 giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố xác minh nội dung khiếu nại của 18 hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án này.
Thương dân nhưng không có cách nào “gỡ gạc”?!
Để làm rõ hơn về các khiếu nại của dân, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Cao Dũng - Phó Giám đốc Sở TN&MT, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Trường hợp đất của một số hộ mà Báo phản ánh, có trường hợp đất từng được chính quyền xã thời kỳ đó xác nhận cho làm nhà ở nhưng giấy tờ đó không phải là giấy tờ hợp pháp. Nó chỉ là những giấy tờ làm căn cứ chứng minh thời điểm sử dụng đất.
Ông Dũng khẳng định đất của các hộ dân là hợp pháp và được Nhà nước đền bù. Nhưng vấn đề đang tranh cãi là ở chỗ, trong khi người dân thì đòi được đền bù theo giá đất ở còn quan điểm của chính quyền là đền bù đất nông nghiệp.
“Đối với những trường hợp không có giấy tờ đất hợp pháp thì căn cứ vào thời điểm sử dụng đất, quá trình sử dụng đến thời điểm bị thu hồi đất, để xác định loại đất được hưởng đền bù. Vì không có nhà trên đất nên không đền bù theo đất ở được mà phải đền bù theo đất nông nghiệp. Nói thật, chúng tôi cũng muốn tìm cơ sở nào đó để gỡ gạc cho bà con nhưng thú thật không thể được” - ông Dũng nói.
Nhưng khi được phóng viên (PV) hỏi cơ sở nào để xác định là đất các hộ đang sử dụng là đất trồng cây lâu năm, vị Giám đốc Trung tâm cho hay: Đã làm theo cách thức loại trừ, tức là không phải đất ở, đất phi nông nghiệp thì đương nhiên là đất nông nghiệp (?). Nói là vậy, nhưng ông Dũng cũng không chứng minh được loại cây lâu năm gì được trồng ở đây, vì thực tế trong phương án bồi thường và tái định cư do cơ quan này lập ra đối với các hộ dân trên không hề có một loại cây hay hoa màu nào cả.
Khó giải thích, ông Dũng quay sang việc xem xét hiện trạng thực tế của những lô đất này và cho rằng không có căn cứ khẳng định người dân dùng để ở dù cho chính quyền đã chấp nhận làm đất ở. Tuy nhiên, khi PV liệt kê có hộ đã làm móng nhà, có người đã có ki ốt kinh doanh, có người có giấy tờ mua bán được chứng thực, đóng thuế nhà đất… ông Dũng cho rằng móng không phải là nhà (!). PV lại lôi tiếp trường hợp có nhà ở vẫn bị coi là đất nông nghiệp thì ông Dũng lại “cố thủ” bằng câu trả lời... “phải xem nhà này sử dụng vào mục đích gì” (???).
Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được căn cứ vào nhiều yếu tố mà người sử dụng đất ở dự án này đang có nhưng chưa được chính quyền xem xét như: ngày, tháng, năm và mục đích sử dụng đất ghi trên biên lai nộp thuế nhà đất; biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất; giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh có ghi địa chỉ của nhà ở liên quan đến thửa đất; giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất; giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan; bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký…
Trên cương vị là Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh, ông Dũng thừa nhận với PV: Thực tế Trung tâm còn thiếu kinh nghiệm trong công tác GPMB nên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những sai sót. Về trường hợp 2 hộ có tên được “chen” vào phương án bồi thường của 32 hộ trong Quyết định 3007 để nhận hơn 1 tỷ đồng dù họ không có đất bị thu hồi trong quyết định đang nói, ông Dũng giải thích: 2 ông này bị thu hồi ở quyết định khác, đã nhận tiền đền bù đất rồi nhưng do ngoài đền bù đất nông nghiệp, 2 hộ còn được hỗ trợ 20-50% giá đất ở trung bình tại khu vực có đất bị thu hồi theo Khoản 2 Điều 21 Nghị định 69 nên đành phải đưa 2 ông vào quyết định bồi thường này. Về mặt thể thức văn bản, tôi thừa nhận thiếu sót trong quyết định phê duyệt phương án đền bù ở phần căn cứ ghi thiếu quyết định thu hồi như Báo nêu vừa vi phạm pháp luật vừa gây hiểu lầm không đáng có trong việc đền bù, hỗ trợ cho họ. Cái sai này chúng tôi sẽ sửa.