Liên tiếp xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng trong ngành than
Tình hình gia tăng các vụ TNLĐ khiến cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh rất lo lắng. Điều đó đã làm “nóng” nghị trường HĐND tỉnh Quảng Ninh tại kỳ họp thứ IV vào tháng 12/2016, một số đại biểu đã thay mặt các cử tri và nhân dân trong tỉnh chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh về công tác điều tra, xử lý các vụ tai nạn lao động cũng như nguyên nhân và trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
So với cả nước, Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ TNLĐ cao, chiếm khoảng 8% số lượng người chết do TNLĐ và khoảng 6% số vụ TNLĐ nghiêm trọng của cả nước, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực khai thác than. Hiện Quảng Ninh có hơn 30 đơn vị khai thác than hầm lò, với sản lượng khai thác toàn ngành hiện tại đạt 45 triệu tấn/năm, làm việc ngày đêm trong lòng đất có khoảng 40 nghìn thợ lò đào trên 350 km hầm lò mỗi năm, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, khắc nghiệt với độ âm hàng trăm mét. Do vậy, TNLĐ nghiêm trọng trong ngành than thường xuyên xảy ra, trung bình mỗi năm xảy ra từ 20 đến 30 vụ, làm chết từ 25 đến 35 người.
Chỉ tính riêng tháng 8/2016, các doanh nghiệp khai thác than trên địa bàn tỉnh để xảy ra 5 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 6 người, bị thương 4 người. Điển hình vụ TNLĐ tại Khu vực Khe Tam – Công ty than Hạ Long ngày 5/8/2016, sự việc đã làm 2 công nhân tử vong và 2 công nhân bị thương nặng. Trước đó 3 ngày, tại Cty Than Mạo Khê và Cty Than Mông Dương xảy ra 2 vụ TNLĐ làm 2 công nhân tử vong, 1 công nhân bị thương.
Đáng lưu ý, TNLĐ nghiêm trọng có tính chất lặp lại, vừa để sảy ra trong tháng 8/2016 thì ngay trong tháng 9/2016, những đơn vị khai thác của Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) cũng đã xảy ra thêm 3 vụ việc tương tự, làm thiệt mạng 3 thợ lò và gây thương vong 4 công nhân khác. Trong tháng 9/2016 còn để sảy ra vụ TNLĐ tập thể tại Cty than Khe Chàm ngày 29/9, mặc dù không có người thiệt mạng, nhưng đã khiến 14 người bị thương.
Thời gian gần đây, tai nạn do cháy nổ và nhiễm các loại khí độc xảy ra ngày càng nhiều, nguyên nhân do thợ mỏ phải làm việc ngày càng sâu, khả năng tích tụ càng nhiều khí độc hại và chịu áp suất càng cao, hiện tại nhiều mỏ đang khai thác ở độ sâu từ âm 200 đến 300 mét so với mực nước biển. Nhiều vụ tai nạn thương tâm diễn ra trong thời gian ngắn khiến công nhân không kịp phản ứng, như vụ cháy đường hầm ở vỉa 14, khu 5, than Hà Ráng thuộc Cty Than Hạ Long ngày 3/4/2016 khiến 6 công nhân bị bỏng nặng, từ 34-55% diện tích cơ thể, rất may mắn không ai bị tử vong nhưng để lại dị tật suốt đời cho các nạn nhân.
Thống kê cũng cho thấy, sập hầm và bục túi nước kéo theo bùn than, đất đá vùi lấp gây tai nạn là nguyên nhân TNLĐ nhiều nhất trong ngành than, nguyên nhân này chiếm tới 40% tổng số tai nạn. Điển hình là sự cố xảy ra lúc 11h30 ngày 7/10/2016, tại khai trường ở độ sâu -380 mét của Cty than Núi Béo, TP Hạ Long. Khi bị bục túi nước từ đáy giếng chính, một trong 3 công nhân may mắn chạy thoát, 2 người còn lại bị lượng lớn bùn đất vùi lấp. Trước đó 3 tuần, tại khai trường Cao Thắng của Cty than Hòn Gai cũng xảy ra sự cố tương tự khiến 3 công nhân mắc kẹt. Sau hơn 4 tiếng tìm kiếm, lực lượng chức năng đã đưa 3 nạn nhân ra ngoài, 2 trong số này đã tử vong.
Triển khai quyết liệt nhiều biện pháp giảm thiểu tai nạn lao động
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 42 người, tăng 5 vụ và tăng 6 người chết so với năm 2015. Trong đó, các doanh nghiệp ngành than đóng trên địa bàn tỉnh để xảy ra 26 vụ, làm chết 23 người. TP Cẩm Phả là địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng nhất, nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, chiếm trên 10% số vụ TNLĐ nghiêm trọng của tỉnh.
Nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi số vụ TNLĐ trên địa bàn tỉnh, nhiều giải pháp lâu dài và những biện pháp trước mắt đã được thực thi ngay từ những ngày đầu năm 2017. Hàng loạt các biện pháp tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) tại các đơn vị sản xuất được tổ chức thực thi, với quan điểm kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về ATLĐ, sẽ cho dừng sản xuất hoặc buộc ngừng có thời hạn đối với các cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện ATLĐ. Người đứng đầu các đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm trước mạng sống của người lao động.
Để hưởng ứng Tháng An toàn lao động năm 2017, ngày 11/1 vừa qua UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về AT-VSLĐ lần thứ nhất năm 2017. Theo đó, Tháng hành động này sẽ diễn ra từ ngày 01-30/5/2017 trên phạm vi toàn tỉnh với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện AT-VSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”, đây là tháng hành động vì người lao động với sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết nối với cộng đồng dân cư trên địa bàn để cùng hướng tới sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động.
Cùng với đó, yêu cầu trước mắt của tỉnh Quảng Ninh đối với các cơ quan chức năng phải đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ATLĐ khi phê duyệt tổ chức sản xuất, triển khai dự án, không để xảy ra các tai nạn nghiêm trọng rồi mới chấn chỉnh; bắt buộc các đơn vị sử dụng lao động phải cải thiện ngay điều kiện làm việc, bố trí lao động, phân công công việc cụ thể đi kèm các biện pháp kỹ thuật an toàn, tổ chức sắp xếp nơi làm việc hợp lý, có phương án tổ chức sản xuất đầy đủ phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất. Đồng thời, chú trọng công tác chăm sóc sức khoẻ, đời sống người lao động.
Với phương châm lấy phòng là chính, do vậy công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, người lao động phải được triển khai bắt buộc tại mỗi đơn vị và được tổ chức thường xuyên, liên tục theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, các biện pháp lâu dài đảm bảo an toàn lao động sẽ được xây dựng thành những mô hình điểm và được chuẩn hóa, theo đó những giải pháp về công nghệ, lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, tăng cường thiết bị bảo hộ lao động sẽ được đầu tư. Dự kiến trong năm 2017, riêng ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ đầu tư gần 1000 tỷ đồng cho công tác này.
Nhận định về công tác đảm bảo ATLĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Thịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, công tác quản lý nhà nước về ATLĐ sẽ được siết chặt, công tác chỉ đạo và kiểm tra, giám sát sẽ được thực thi tới từng cơ sở sản xuất. Trước mắt sẽ quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sản xuất đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, huấn luyện AT-VSLĐ, tập huấn kỹ năng thoát hiểm cho người lao động, trọng tâm là tổ chức thực hiện các quy định của Luật AT-VSLĐ và các văn bản hướng dẫn luật.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị sử dụng lao động, có chế tài xử lý những trường hợp sai phạm cụ thể, đề nghị các cơ quan chức năng khởi tố đối với những vụ TNLĐ nghiêm trọng. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu Chương trình Quốc gia về AT-VSLĐ giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai áp dụng các hệ thống quản lý công tác AT-VSLĐ phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.