2017 là năm đánh dấu thương hiệu cải cách hành chính của Quảng Ninh khi tỉnh xuất sắc vươn lên vị trí quán quân toàn quốc về chỉ số PAR INDEX với 89,54 điểm, tăng 6,72 điểm so với năm 2016 và bỏ xa địa phương đứng thứ hai là Hà Nội 4 điểm. Chỉ số SIPAS, tỷ lệ hài lòng của người dân khá cao đạt 92,88%, đứng thứ 5 toàn quốc, tỷ lệ người dân chưa thực sự hài lòng là 6,8% và không hài lòng là 0,32%. Chỉ số PAPI của tỉnh tiếp tục ghi nhận sự cải thiện đáng kể về cả điểm số và thứ hạng. Năm 2017, chỉ số PAPI của Quảng Ninh đạt 36,73 điểm, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao và là tỉnh đứng thứ 2 có biên độ tăng cao nhất của cả nước.
Tại Hội nghị, đại diện Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) và Viện Lãnh đạo học, chính sách công (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã phân tích chuyên sâu về một số tồn tại của các chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI năm 2017 của tỉnh Quảng Ninh như: Một vài tiêu chí của các chỉ số còn hạn chế khi so sánh với một số tỉnh như tiêu chí về tiếp cận dịch vụ qua mạng internet, tiêu chí về trễ hẹn, tiêu chí về xin lỗi vì trễ hẹn, việc thực hiện chế độ báo cáo thường kỳ tại một số địa phương chưa kịp thời, liên tục, tiêu chí trách nhiệm giải trình với người dân giảm điểm, giảm 13 bậc so với năm 2016, cơ cấu số lượng cấp phó tại một số sở, ngành còn vượt so quy định, cơ cấu giữa số lượng lãnh đạo và công chức chuyên môn tại một số phòng thuộc sở còn chưa hợp lý, phân cấp quản lý nhà nước giữa tỉnh và huyện còn hạn chế.
Từ những vấn đề nêu trên, các chuyên gia khuyến nghị tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện các giải pháp: Chỉ đạo rà soát, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là những tiêu chí không đạt điểm tối đa, duy trì kết quả đạt được, bám sát nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ giao hàng năm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công của các đơn vị cấp huyện và cấp xã, phường, triển khai áp dụng bộ chỉ số PAPI cấp huyện đối với tất cả các đơn vị từ năm 2018.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh: Thứ hạng dẫn đầu cả nước về các chỉ số PCI và PAR INDEX và sự cải thiện đáng kể về thứ hạng các chỉ số SIPAS, PAPI là sự ghi nhận những nỗ lực cải cách của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh thời gian qua. Kết quả của các chỉ số này đều có sự tương hỗ và gắn kết lẫn nhau, để giữ được và tiếp tục cải thiện các chỉ số, từng địa phương, đơn vị phải nắm chắc, cụ thể từng chỉ tiêu, nội dung trong các chỉ số. Ông Đọc khẳng định, trong năm 2018 Quảng Ninh sẽ tiếp tục cải thiện các chỉ số để giữ vững ở nhóm đứng đầu các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, đối với chỉ số PCI, nhất định phải giữ được vị trí quán quân, chỉ số PAR INDEX phải tiếp tục cố gắng để nâng cao hệ số bền vững của các chỉ số. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, tăng cường hoạt động hiệu quả của Trung tâm Hành chính công các cấp, trong đó phải hoàn thiện chính quyền điện tử, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, nhất là từ phòng ban các xã, phường cơ sở.
Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền phải hết sức quan tâm và tạo được tinh thần thống nhất. Trên tinh thần đó, đồng chí yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao cả ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn, kỷ luật, kỷ cương công chức, không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân. Ngay sau Hội nghị này, lãnh đạo các địa phương phải tổ chức hội nghị quán triệt đến các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để phân tích, đánh giá, qua đó có giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số trong năm 2018.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Qua đó, nghiên cứu kỹ tài liệu của các chuyên gia để thống nhất chương trình hành động, phấn đấu giữ trong top đầu về Chỉ số PAR INDEX, nâng cao chỉ số SIPAS, PAPI. Từ đó đòi hỏi các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cấp, các ngành cần phải nhìn thẳng vào những thách thức, người dân chưa hài lòng nội dung gì thì phải có giải pháp thật cụ thể đối với từng tiêu chí trên quan điểm các tiêu chí đều phải tăng. Sau Hội nghị này, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch hành động bằng những giải pháp hết sức cụ thể. Các địa phương tiếp tục rà soát các bộ thủ tục hành chính ngắn gọn hơn nữa, nâng cao tính giải trình cho người dân, trong đó hồ sơ nào giải quyết trễ hẹn thì phải có thư xin lỗi trực tiếp người dân, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát đột xuất; MTTQ và đoàn thể thể chính trị - xã hội, các ban HĐND các cấp phát huy vai trò giám sát đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, giải quyết thủ tục hành chính.