Diện kiến Quang Tèo mới biết vì sao anh vào vai nông dân ngọt thế. Ở anh toát lên nét chân chất, mộc mạc mà giờ hiếm người nghệ sĩ nào có được.- Lâu rồi không thấy anh xuất hiện trên màn ảnh, anh đang có dự định gì chăng? - Không đâu, tôi vẫn kết hợp đều đặn việc diễn kịch và làm các tiểu phẩm hài. Tôi cũng vừa kết thúc một sêri gồm 20 tiểu phẩm hài bên Đài truyền hình Hà Nội sản xuất. Sắp tới, khán giả sẽ gặp lại “cặp bài trùng” Giang Còi - Quang Tèo với những câu chuyện “từ làng ra phố”, hình ảnh người nông dân thật thà, chất phác, những câu chuyện chắp nhặt từ cuộc sống thường nhật…
|
"Chất nông dân đã thành thâm căn cố đế" |
- Vẫn là mô típ cũ, anh không sợ sẽ gây nhàm chán với khán giả sao? - Nói là mô típ cũ nhưng mỗi tiểu phẩm mình lại phải tạo được ra một nét riêng chứ. Như bạn biết đấy, khán giả biết đến Quang Tèo - Giang Còi là hình ảnh người nông dân tưởng như “đi guốc trong bụng rồi”. Giờ bảo hóa thân vào một ông giám đốc, cũng được chứ, nhưng là một ông giám đốc đậm chất nông dân và của nông dân. Chứ thực ra, xa cái chất “nông dân” đã thành thâm căn cố đế, e rằng không ổn lắm. - Nghệ sĩ có thể hóa thân vào các kiểu nhân vật, tại sao anh không thử làm mới mình? - Làm mới mình cũng có nhiều cách chứ. Không thể nói tôi chỉ xuất hiện với vai diễn là một người nông dân mà bảo tôi không phá cách. Khán giả gặp Quang Tèo là một người nông dân làm ruộng khác với một nông dân học đòi buôn bán, một Quang Tèo sợ vợ khác với một Quang Tèo núp bóng trưởng thôn… Cái mà người nghệ sĩ luôn đổi mới mình là hòa được vào với nhân vật mà mình thủ vai và bằng cách nào đó, chuyển tải đến khán giả một cách tốt nhất.- Anh có vẻ rất mau nước mắt. Vậy nước mắt đã đổ bao lần khi diễn bi kịch? - Sao có thể nhớ hết được bao lần tôi đổ nước mắt. Nước mắt trong vai diễn bi kịch tỷ lệ thuận với tiếng cười của khán giả trong vở hài kịch. Có thể kể một kỷ niệm vui thế này, ngày Quang Tèo thủ vai một anh chiến sĩ, bị thương nặng đến nỗi “thập tử nhất sinh” trong vở “Dòng sông ký ức”. Liều thuốc duy nhất cứu được anh này ra khỏi “lưỡi hái tử thần” là người yêu của anh ấy, điều đáng bàn ở đây là tình huống mối tình tay ba. Khi anh chàng này cận kề cái chết thì cô người yêu đến. Và diễn cảnh này, thì mình khóc thật, khóc ròng ròng. Mình khóc mà khán giả không biết, vì nằm mà. Khi diễn xong cảnh đó, được đánh giá là thành công, bạn diễn của mình cũng khóc như mưa, bảo anh khóc làm em khóc theo. Hơn nữa, tôi là người đa sầu, đa cảm, cảm xúc dễ vỡ òa…Không tin à, ai chơi với Tèo lâu sẽ hiểu.- Hiện đã có biên bản mới “Thư giãn cuối tuần” của VTV3 và “Cười từ nhà ra phố” của ĐTH Hà Nội, phát vào cuối tuần nhưng xem ra, nội dung của những seri hài có vẻ cũng mờ nhạt. Là người trong cuộc, anh có nhận xét gì? - Thực ra, cũng rất khó có thể nói là thành công hay không thành công, đánh đúng thị hiếu của khán giả hay không vì mỗi người có một gu riêng. Ví dụ, bạn thích cái chân chất mộc mạc của Quang Tèo nhưng một bạn khác lại thích “sếp” Phạm Bằng, bạn nữa là cái chảnh của Vân Dung…Nên đưa ra một mức nào đánh giá thì có vẻ khập khiễng. Về phía nghệ sĩ, chúng tôi chỉ biết một điều là cống hiến hết mình để phục vụ khán giả. Luôn tìm cách làm sao để hình ảnh của mình mỗi lần xuất hiện là có một cái mới, để tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Hiện nay, vấn đề kịch bản cho hài kịch thiếu trầm trọng. Mà là diễn viên, thì chúng tôi lại phải tự đắp “thịt” cho những khung kịch bản. Tự nghĩ thêm những chi tiết đặc sắc nhất để làm sao thực sự đem đến được tiếng cười cho khán giả một cách sâu sắc nhất, bổ ích nhất. Có khi phải tự biên, tự diễn sao cho phù hợp với cá tính của mình nữa. Khán giả bây giờ họ tinh lắm và phần đông người xem là trí thức nên họ đòi hỏi những tiểu phẩm hài cũng phải đạt được một mức nào đó đáp ứng được nhu cầu của tiếng cười trong thời đại mới. Xây dựng được một vở có cái cười thâm thúy, để khi ngủ rồi, khán giả vẫn phải ngẫm nghĩ và mỉm cười, đó là điều mà chúng tôi mong muốn.
|
- Anh có thể nói gì về nghiệp hài của mình? - Quang Tèo đã theo nghiệp này khá lâu. Và hiện tại, nếu cho chọn lại thì Tèo vẫn không thay đổi. Bởi trên sân khấu, dù là hài kịch, chính kịch hay bi kịch thì Tèo cũng được sống hết mình với vai diễn. Và khán giả là người tiếp nhận đánh giá. Hiện tại, tôi có thể khẳng định đã ít nhiều đóng đinh được vào lòng khán giả, cũng đã có những khán giả cho riêng mình. Và có thể nói rằng, cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Quang Tèo nhớ nhất là những lần đi lưu diễn ở các miền quê, được nghe người dân gọi cái tên Quang Tèo thân thuộc, thấy vui lắm. Có thể nói “đi dân nhớ, ở dân thương” nên mình thực sự không thấy tiếc công sức mình bỏ ra. Hiện tại, tiếng cười của Tèo vẫn rất còn sung sức.
Theo Huyền Anh
Đất Việt
Đất Việt