Quanh thông tin bệnh mở khóa đầu: Bác sỹ, thầy lang nói gì?

Người chữa được căn bệnh mở khóa đầu hiện nay ở Lục Ngạn là các thầy lang, và người dân cũng chỉ tin vào thầy lang.

Người chữa được căn bệnh mở khóa đầu hiện nay ở Lục Ngạn là các thầy lang, và người dân cũng chỉ tin vào thầy lang. Song, các bác sỹ cho rằng trên thực tế đây không phải là bệnh mà chỉ là những biểu hiện bình thường ở trẻ mới sinh.

Lý của thầy lang

Dẫn tôi đi tìm một thầy lang tên là S. chữa bệnh mở khóa đầu, anh N., giáo viên một trường THPT ở Lục Ngạn, cho biết: Anh trước đây cũng bị mở khóa đầu và được thầy lang này đốt ngải.
 
Theo thầy lang S.,khí hậu ở vùng núi thường lạnh, nhiều sương muối cộng thêm cơ thể đứa trẻ vừa trong bụng mẹ ra chưa thích nghi kịp nên dễ dẫn đến tình trạng mở khóa đầu, tức là phần nối giữa các xương sọ rời ra.      

Căn nhà của thầy nằm cách thị trấn Chũ không xa, từ ngoài sân chúng tôi đã ngửi thấy mùi ngai ngái của hương ngải. Thầy đang cởi trần, đốt ngải cho một thanh niên. Một tay thầy vo tròn bột lá cây ngải cứu, tay kia thầy cầm bật lửa ga, vừa châm lửa vào bột ngải vừa dí vào các huyệt ở lưng, tay, chân và đỉnh đầu người thanh niên…
Mô tả ảnh.
Thầy lang S. bên bao thuốc chữa bệnh.
Đợi thầy ngớt việc, tôi tranh thủ hỏi về bệnh mở khóa đầu. Thầy S nói: “Bệnh này có từ lâu rồi, không phải chỉ ở Lục Ngạn mà đâu cũng có, vấn đề là nhiều hay ít thôi. Mà bệnh ấy không phải bây giờ mới có đâu nhé, từ hồi cụ thân sinh của tôi mới 20 tuổi đã đi chữa bệnh này rồi. Tôi mới theo nghề cụ được hơn 30 năm nay thôi nhưng đã chữa cho không biết bao nhiêu người”.Có khi nào thầy bó tay với người bệnh chưa?”. Tôi hỏi. “Có chứ, nhiều lần gia đình gọi muộn quá, lên thì xương đầu đã mở bằng ngón tay, chữa không kịp”. Rồi thầy tận tình chỉ cho tôi những biểu hiện của bệnh như khóc nhiều, không ăn, không tiểu, ngủ li bì… Hỏi về thuốc chữa bệnh, thầy chỉ cho tôi xem một bao tải đầy những cây ngải cứu khô dựng ở góc nhà: “Thuốc chỉ có vậy thôi, nhưng quan trọng là phải biết huyệt mà châm. Hơn nữa, chế biến ngải không đơn giản, phải phơi thật khô rồi vò đi, vò lại nhiều lần cho đến khi thành bột mới được” - Thầy S. kể. Tôi tiếp tục tìm gặp các thầy lang khác. Hóa ra lực lượng thầy lang chữa bệnh mở khóa đầu ở Lục Ngạn khá đông. Ngoài thầy S, còn có bà lang Xoan, lang Hoàn, lang Vẻ ở xã Kim Sơn, bà lang Chèng ở xã Hồng Giang, bà lang Chanh ở xã Biển Động… Hầu hết các thầy lang này được người dân tín nhiệm.Bác sỹ: Không có bệnh mở khóa đầu Liên hệ với ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lục Ngạn, ông cho biết: Chưa bao giờ nghe đến căn bệnh này. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn khẳng định: Trong y văn không có bệnh nào có tên là mở khóa đầu. Biểu hiện ngủ li bì ở trẻ là bình thường nhưng theo khuyến cáo thì trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ sau khi đẻ là phải đánh thức đứa trẻ dậy để cho ăn. Nếu để lâu hơn có thể làm cho đứa trẻ bị hạ đường huyết dẫn đến một số biểu hiện: không khóc, người yếu, không bú được, rối loạn tim mạch có thể dẫn đến tử vong… Đối với các rãnh xuất hiện trên đầu trẻ bị bệnh, bà Yến cho rằng: đầu của thai nhi bao gồm các đường nối của bản xương đỉnh, xương chẩm và xương trán xếp chồng lên nhau để giảm diện tích. Khi lọt lòng mẹ, những đường nối giữa các bản xương này bị giãn ra, đây là việc hoàn toàn bình thường. Việc đứa trẻ khóc nhiều còn có thể liên quan bệnh còi xương xuất hiện sớm ở trẻ sơ sinh. Ở giai đoạn đầu của những đứa trẻ này thường khóc rất nhiều, có khi đến hàng tháng trời mà dân gian gọi là “khóc dạ đề” chứ cũng không phải là mở khóa đầu. “Đốt ngải có thể gây kích thích thần kinh đứa trẻ, làm cho trẻ tỉnh dậy và hoạt động vệ sinh, ăn uống bình thường. Liên quan hiện tượng đau đầu ở trẻ em có thể có nhiều nguyên nhân như xuất huyết não, viêm màng não, viêm màng não mủ… khi trẻ bị bệnh này, người nhà không đưa đến viện kịp thời mà chỉ đốt ngải, đắp lá thì sẽ rất nguy hiểm” - Bà Yến khuyến cáo. Khẳng định không có bệnh mở khóa đầu trên lý thuyết nhưng bà Nguyễn Ngọc Yến Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn cho rằng thực tế người dân vẫn cho là có bệnh này. Thậm chí đối với nhiều trường hợp, lợi dụng thời gian nghỉ giao ca, không có mặt bác sỹ, người nhà bệnh nhân đã mời cả các thầy lang vào bệnh viện để chữa trị.      
Theo Nguyễn Trường
Tiền Phong

Đọc thêm