Quê tôi ngày ấy

Điều kỳ diệu nhất vào tháng Tám năm 1945 là: Lúc ấy chưa có phương tiện liên lạc hiện đại như ngày nay mà gần như một lúc, khi Uỷ ban Dân tộc Giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu lên, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, làm lễ chào lá quốc kỳ chính thức tung bay, dưới bóng cây đa Tân Trào - trung tâm lịch sử khu giải phóng, thì cũng là lúc ngay giữa Hà Nội, bất chấp lưỡi lê, xe tăng Nhật, nhân dân Hà Nội tập trung trước Quảng trường Nhà hát lớn bây giờ nghiêm trang chào đón lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời lộng gió.

Một góc làng văn hoá Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực).                                                       Ảnh: Thu Hà

Điều kỳ diệu nhất vào tháng Tám năm 1945 là: Lúc ấy chưa có phương tiện liên lạc hiện đại như ngày nay mà gần như một lúc, khi Uỷ ban Dân tộc Giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu lên, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, làm lễ chào lá quốc kỳ chính thức tung bay, dưới bóng cây đa Tân Trào - trung tâm lịch sử khu giải phóng, thì cũng là lúc ngay giữa Hà Nội, bất chấp lưỡi lê, xe tăng Nhật, nhân dân Hà Nội tập trung trước Quảng trường Nhà hát lớn bây giờ nghiêm trang chào đón lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời lộng gió.

Năm ngày sau khi Hà Nội giương cao lá cờ Tổ quốc, sáng ngày 24-8, Bác Hồ từ Tân Trào theo đường thuỷ sông Hồng cuồn cuộn đỏ phù sa về Hà Nội. Thuyền của Bác cập bến làng Phú Gia (ngoại thành HN), làng nào cũng dựng cổng trào, chăng dây, treo cờ Tổ quốc và các nước đồng minh. Nghe tin ấy cụ Đàm Công Trừng dòng dõi 3 đời làm thầy đồ ở làng tôi bảo: "Ngày xưa vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư dời đô về Thăng Long có rồng vàng bay. Cụ Hồ từ Việt Bắc về Hà Nội thì cờ đỏ sao vàng bay rợp đất, xưa là điềm trời, nay là điềm người đấy!".

Cờ đỏ sao vàng bay hơn rồng xưa, bay lan bay xa khắp đất nước, bay về làng tôi, cùng với tin: "Việt Minh cướp chính quyền". Không khí chờ đợi bỗng bừng lên sôi động... Bố tôi giật tung chiếc khoá hòm gỗ, ôm ra hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng. Nhìn những lá cờ ấy tôi nhớ một đêm đang ngủ, bỗng giật mình ngồi dậy sờ soạng khắp giường mà không thấy bố đâu. Tôi lắng nghe, phòng bên tiếng máy khâu lạch xạch. Lại có ánh sáng từ chiếc đèn ba dây hắt lên phía đỉnh màn. Tôi rón rén xuống giường, lách cửa vào phòng. Đột nhiên đèn tắt. Tất cả chìm vào bóng đêm. Tiếng kéo cắt vải rơi xuống nền nhà sắc lạnh rồi im lặng đến rợn người. Tôi khóc ré lên. Một người đàn ông xốc tôi vào lòng. Nhờ mùi hôi quen thuộc, tôi nhận ra cánh tay bố... Những lá cờ ấy hôm nay mang ra sân đình, cắm vào cán phân phát cho dòng người, già trẻ, gái trai làng tôi trang bị gươm, giáo, dao ngắn, dao dài đổ ra đường. Cờ đỏ rợp trời. Tuần hành, hô vang khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm", "Hồ Chí Minh muôn năm".

Anh Bình học ở thành phố về, cầm tờ báo có ảnh Cụ Hồ giương cao trước đám đông người tuần hành: "Đây là Cụ Hồ Chí Minh, cũng là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, vị cứu tinh của dân tộc ta!". Tờ báo truyền đi rất nhanh. Còn anh Cao Văn Huynh thì phân phát dễ đến vài chục chiếc ảnh Cụ Hồ do anh vẽ lại ảnh Bác trên khổ giấy rộng... Dân làng xúm quanh những bức tranh vẽ Cụ Hồ ngắm nghía rồi vừa đi vừa ngắm không biết chán mắt. Cuộc mít tinh diễu hành kéo lên huyện lỵ. Đi đến đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Đồng bào từ các làng sâu cách lộ tỉnh 55 được tin lan truyền nhau kéo ra đông nghẹt hai bên đường nhập vào đoàn tuần hành dài dài mãi.

Những ngày như vậy, dù là thiếu niên, chúng tôi cũng không chịu ở nhà. Đi rồi về trụ sở ăn cơm tập đoàn - gạo lấy từ trong kho của Nhật, do các bà, các mẹ nấu. Trong làng lúc nào cũng như ngày hội, trống chiêng khua vang. Đội tự vệ ngày đêm luyện tập. Hầu như các lò rèn làng tôi được huy động rèn mã tấu, gươm giáo, thiết lĩnh... Đối với chúng tôi vui nhất là đánh trận giả. Tôi nhớ nhất chi tiết: Thằng Tây dí súng vào bác nông dân hỏi: "Việt Minh ở đâu?". Bác nông dân ra vẻ khúm núm, sợ hãi chỉ tay về phía trước. Thằng Tây bước đi. Bác nông dân tụt lại sau, bất thình lình giơ cuốc lên đập vào đầu, nó ngã quay lơ và bác cướp súng... Rồi những buổi tập bắn súng, bắn tên. Có một chị ở trên tỉnh, mặc quần soóc, áo bỏ trong quần, đội ca-lô, trông oai như nữ tướng Bà Trưng, Bà Triệu về dậy. Chị bắn giỏi lắm. Cứ tiếng dây cung bật là mũi tên cắm phập vào vòng tròn cây chuối. Tiếng hoan hô vang dậy cả bãi tập.

Hội mẹ chiến sĩ được thành lập. Bộ đội địa phương kéo về. Có người đeo súng hoả mai, súng mút-cơ-tông. Các mẹ vá áo, nấu cơm chăm sóc bộ đội, quý như con đẻ. Mẹ xin cho anh tôi vào bộ đội địa phương. Bộ đội dạy thanh niên đóng kịch. Vở kịch tôi còn nhớ có nhan đề "Nông dân giết giặc". Thầy Cao Dần dạy lớp 1 ở làng cũng tập viết vở "Mỵ Châu - Trọng Thuỷ". Sau này, đội kịch làng tôi còn diễn cả vở mới như "Bố con một trận tuyến" nêu chuyện hai bố con do đói kém, lạc nhau từ nhỏ, sau cả hai cùng vào bộ đội, cùng ở một đơn vị mà không nhận ra nhau. Người cha bị thương, trước khi chết nhờ đơn vị tìm giúp con. Thế là hai cha con gặp nhau, đau đớn nhưng tự hào, mãn nguyện. Đội kịch làng tôi sau này đi phục vụ kháng chiến. Nhiều người anh dũng hy sinh, có người trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội, nghỉ hưu tại làng..., thường kể lại cho thế hệ trẻ nghe mùa thu tháng Tám năm 1945.

Những ngày sôi động của mùa thu năm ấy thấm thoát đã 65 năm trôi qua, vậy mà giờ đây chúng tôi vẫn cứ cảm thấy như còn đó một cuộc đổi đời, hào hùng, sống động./.

Nguyễn Đức Hoè

Đọc thêm