Quốc hội sẽ xem xét tình hình oan, sai và bồi thường

(PLO) - Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII  khai mạc hôm nay sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và 01 nghị quyết, cho ý kiến 15 dự án luật để góp phần đẩy mạnh việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013, đồng thời góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp luật của nhiệm kỳ.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
phát biểu tại cuộc họp báo
Trong số các dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến có rất nhiều dự án bộ luật, luật quan trọng như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam…
Là một trong những đạo luật thu hút được nhiều sự quan tâm của cử tri và Đại biểu Quốc hội, Dự án Luật Trưng cầu ý dân cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Dự án Luật này được đánh giá là nhằm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân và mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, góp phần tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước… 
Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…; thông qua Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2016…
Thực hiện công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị  oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo qui định của pháp luật”, tập trung đánh giá tình hình oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nguyên nhân của tình hình này cũng như về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết, sau khi thảo luận về sự cần thiết của dự án và các phương án đầu tư, về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư; về diện tích sử dụng đất cho dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về chồng lấn vùng trời bay… sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành Hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và xem xét việc bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn TP.Hà Nội). Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bố trí thời gian nghe Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Trước đó, UBTVQH đã nghe Chính phủ báo cáo về vấn đề này. Riêng Dự án Luật Biểu tình đang trong quá trình chuẩn bị nên chưa được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. 

Đọc thêm