Ấn Độ trở thành nước có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 3 thế giới

(PLVN) - Ấn Độ ngày 6/7 đã trở thành nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 trên thế giới. Trong khi đó, tại Mỹ, giới chức nước này cũng cảnh báo các bệnh viện ở đây có nguy cơ bị quá tải bởi sự gia tăng các bệnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo AFP, dù đã có những dấu hiệu tiến triển ở các khu vực của châu Âu (nơi Viện Bảo tàng Louvre ở Paris - Pháp mở cửa trở lại trong ngày 6/7) nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn tiến vô cùng phức tạp trên khắp thế giới. Theo thống kê của AFP, tổng số ca nhiễm bệnh toàn cầu đang nhanh chóng tiếp cận mốc 11,5 triệu người, với hơn 533.000 ca tử vong.

Trong đó, số trường hợp nhiễm bệnh ở Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng, với 24.000 ca bệnh mới được báo cáo trong 24 giờ, đưa tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này đến ngày 6/7 lên tới gần 700.000 người. Các thành phố lớn của Ấn Độ bao gồm New Delhi và Mumbai là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Sự gia tăng mạnh các ca nhiễm bệnh mới trong thời gian qua đã buộc giới chức Ấn Độ phải chuyển đổi các khách sạn, phòng cưới, trung tâm tâm linh… thành nơi hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân Covid-19. Các nhà phê bình còn cho rằng có quá ít xét nghiệm đang được tiến hành và nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 có thể đã không được chẩn đoán. 

Còn tại Australia, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews ngày 6/7 thông báo: biên giới giữa bang này và bang láng giềng New South Wales - 2 bang đông dân nhất của Australia - sẽ đóng cửa vô thời hạn từ ngày 7/7 sau đợt bùng phát dịch Covid-19 ở bang này.

Reuters dẫn lời ông Andrew cho hay, quyết định trên được đưa ra với sự đồng thuận của Thủ tướng Scott Morrison và Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian. Biên giới nội địa khác duy nhất còn lại của Victoria là với tiểu bang South Australia đến nay cũng vẫn đóng cửa.

Động thái này sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong 100 năm biên giới giữa bang Victoria và New South Wales bị đóng cửa. Lần gần đây nhất việc đóng cửa biên giới giữa 2 bang diễn ra là vào năm 1919, trong đợt bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha. 

Việc đóng cửa biên giới giữa 2 bang trên diễn ra sau khi số ca mắc Covid-19 ở Melbourne - thủ phủ bang Victoria - đã tăng cao trong những ngày gần đây, khiến giới chức địa phương đã phải đưa ra các yêu cầu giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở 30 vùng ngoại ô và phong tỏa hoàn toàn 9 tòa nhà công cộng.

Bang Victoria đã ghi nhận tới 127 ca Covid-19 mới trong đêm 5/7 – là mức tăng cao nhất số ca bệnh trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay. Bang này cũng đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong, là ca tử vong do Covid-19 đầu tiên ở Australia trong hơn 2 tuần qua, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 ở nước này lên thành 105 người. 

Cho đến nay, Australia mới chỉ có 8.500 trường hợp mắc bệnh Covid-19 nhưng dịch ở Melbourne đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Đất nước này đã báo cáo trung bình 109 trường hợp mắc bệnh mới hàng ngày trong tuần qua, so với trung bình chỉ 9 trường hợp hàng ngày trong tuần đầu tiên của tháng 6. Đe dọa về khả năng dịch bệnh trở lại thể hiện rõ nhất ở Fiji khi quốc gia Thái Bình Dương này ngày 6/7 xác nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên sau 78 ngày mà không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh nào.

Mỹ - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 – cũng đang phải vật lộn để đối phó với sự tàn phá của virus. Theo số liệu của Trường Đại học Johns Hopkins, tính đến cuối ngày 5/7 (6/7, giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 39.379 ca mắc bệnh mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 2.876.143 người. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Mỹ ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao đột biến.

Ngày 3/7 vừa qua, nước này đã ghi nhận kỷ lục số ca bệnh mới cao nhất trong ngày, với 57.683 ca. Số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ hiện là 129.891 ca, bao gồm 234 ca mới ghi nhận trong 24 giờ tính đến cuối ngày 5/7. Tại nhiều nơi ở bang Texas, số giường bệnh hiện đã chật kín trong khi số lệnh yêu cầu người dân ở nhà mới tiếp tục gia tăng.

Một số thị trưởng tại đây cho rằng các thành phố của họ mở cửa trở lại quá sớm. Thị trưởng thành phố Austin, bang Texas Steve Adler bày tỏ lo ngại rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể bị quá tải khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng. “Nếu quỹ đạo tình hình không thay đổi thì trong vòng 2 tuần tới, các bệnh viện của chúng tôi sẽ bị quá tải, còn các đơn vị chăm sóc đặc biệt sẽ lâm vào tình trạng này sau đó 10 ngày”, ông Adler nói với CNN.

Tại Nam Phi, hàng chục nhân viên y tế của quân đội ngày 5/7 đã được triển khai sau khi các ca bệnh ở tỉnh East Cape gia tăng. Tương tự Ấn Độ, Nam Phi đã áp dụng một số biện pháp yêu cầu người dân ở nhà nghiêm ngặt nhất trên thế giới vào cuối tháng 3 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 nhưng số ca nhiễm bệnh tại nước này đang gia tăng hàng ngày khi các quy định phong tỏa dần được nới lỏng.

Iran cũng đã tuyên bố 163 trường hợp tử vong mới, là mức tăng số ca tử vong vì Covid-19 trong 1 ngày cao nhất của nước này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.

Cuộc chiến với Covid-19 của Mỹ Latin vẫn tiếp tục, với Chile đến ngày 5/7 đã ghi nhận số ca bệnh vượt mốc 10.000 còn Mexico đã có 30.000 người thiệt mạng. Tổng thống Chile Sebastian Pinera ngày 5/7 đã công bố gói biện pháp mới trị giá 1,5 tỷ USD hỗ trợ tầng lớp trung lưu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục lan rộng và hủy hoại nền kinh tế của nước này. 

Đọc thêm