Tòa Thái Lan công bố phán quyết với bà Yingluck

(PLO) - Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 6/5 cho biết sẽ công bố phán quyết trong vụ việc về cáo buộc lạm quyền chống lại Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong ngày hôm nay (7/5). Bà Yingluck có thể bị phế truất nếu bị tuyên là có tội. 
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Internet
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Internet
Các cáo buộc mà bà Yingluck đang đối mặt có liên quan đến việc bà đã điều chuyển người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Thawil Pliensri vào năm 2011, sau khi bà được bầu vào chức Thủ tướng. Quyết định này của bà Yingluck đã bị những người chỉ trích tố cáo là nhằm tạo lợi thế cho đảng của bà. Theo Hiến pháp đã được sửa đổi sau cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin Shinawatra vào năm 2006, tội danh này có thể khiến bà Yingluck bị phế truất và bị cấm hoạt động chính trị. 
Phiên điều trần về vụ việc diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đã đi đến khúc cua quan trọng. Những người biểu tình chống Chính phủ vẫn đang bám trụ các đường phố của thủ đô Bangkok, dù số lượng có giảm bớt so với trước đây, trong khi những người ủng hộ bà Yingluck cũng đe dọa sẽ xuống đường để bảo vệ bà.
Phát biểu tại Tòa án ngày 6/5, bà Yingluck đã bác bỏ các cáo buộc trong đơn kiện do một nhóm các nghị sỹ đệ trình. “Tôi bác bỏ cáo buộc này. Tôi không vi phạm bất kỳ đạo luật nào, tôi không được lợi ích gì từ việc bổ nhiệm đó” – bà Yingluck nói trước tòa, đồng thời khẳng định bà đã thay thế ông Thawil nhằm phục vụ lợi ích của quốc gia. “Tòa đã hẹn sẽ đưa ra phán quyết vào trưa 7/5” – Reuters dẫn lời một thẩm phán nói sau khi kết thúc phiên điều trần. 
Tòa án Hiến pháp Thái Lan dự kiến cũng sẽ mở rộng phán quyết của mình tới các thành viên trong nội các đã tán thành quyết định cách chức ông Thawil. Theo AFP, ngoài việc có thể khiến bà Yingluck mất chức, phán quyết của tòa còn có thể đánh bật một loạt các nhà làm luật trong đảng cầm quyền có quan hệ mật thiết với cựu Thủ tướng Thaksin. 
Giới quan sát cho rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp có thể đẩy Thái Lan sâu hơn vào tình trạng hỗn loạn sau sáu tháng diễn ra các cuộc biểu tình trên đường phố nhằm lật đổ bà Yingluck. Phe “Áo Đỏ” ủng hộ bà Yingluck đã cam kết sẽ có hành động đáp trả nếu bà bị buộc phải rời nhiệm sở, đồng thời cho biết đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc diễu hành lớn vào ngày 10/5 tới ở gần Bangkok. 
Ít nhất 25 người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ bạo lực có liên quan đến chính trị, dấy lên những lo ngại về việc tình trạng bất ổn sẽ lan rộng nếu bà Yingluck bị phế truất. “Điều này phụ thuộc vào các thẩm phán. Tất cả những gì tôi có thể nói là nếu tòa buộc tội bà Thủ tướng và toàn bộ nội các của bà thì tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra” – ông Jarupong Ruangsuwan, Chủ tịch đảng Puea Thai cầm quyền, nói với AFP trước phiên điều trần. 
Tuy nhiên, ông Michael Montesano, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho biết, cho đến nay vẫn chưa rõ liệu những người “Áo Đỏ” có kháng cự mạnh mẽ như lãnh đạo của họ tuyên bố hay không. Ngoài cáo buộc lạm quyền, bà Yingluck cũng đã bị Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia truy tố về tội danh lơ là trách nhiệm liên quan đến chương trình thu mua lúa gạo trợ giá vốn bị những người chỉ trích cáo buộc là tạo điều kiện cho tham nhũng. 
Theo AFP, Tòa án Hiến pháp đóng một vai trò quan trọng trong những diễn biến gần đây trên chính trường Thái Lan. Những người chỉ trích cáo buộc việc Tòa này tỏ ra vội vàng trong vụ án của bà Yingluck và những phán quyết trước đây cho thấy Tòa này có thành kiến chính trị với gia đình Shinawatra. Hồi năm 2008, Tòa này cũng đã buộc 2 thủ tướng có liên quan đến ông Thaksin phải rời nhiệm sở. 
Hồi tháng 3 vừa qua, Tòa này cũng đã vô hiệu hóa cuộc tổng tuyển cử đã bị người biểu tình làm gián đoạn trong tháng 2, khiến vương quốc này hiện chỉ có một chính quyền lâm thời. Giới chức bầu cử và đảng cầm quyền vừa thống nhất sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới vào ngày 20/7 tới. Song, ngày bỏ phiếu đã bị Đảng Dân chủ đối lập bác bỏ, dấy lên những nghi ngại về khả năng thành công của cuộc bầu cử này.