Quy định kinh doanh game trên mạng di động: Thừa điều kiện, thiếu rõ ràng?

(PLO) - Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thông tin truyền thông đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến rộng rãi. Một trong những nội dung được quan tâm là điều kiện kinh doanh viễn thông và các dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vừa chưa minh bạch, vừa chưa hợp lý

Các điều kiện để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Theo các chuyên gia, một số vấn đề cần được cân nhắc, xem xét. Cụ thể, nội dung  “Là tổ chức, doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng”  được coi là chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014 vì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh, vì thế, cần phải bỏ cụm từ “có chức năng nhiệm vụ hoặc đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng” trong nội dung này.

Hoặc, quy định “Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động” được các chuyên gia pháp luật ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) coi là vừa chưa minh bạch vừa chưa hợp lý và yêu cầu bỏ, bởi không rõ thế nào được cho là “có đủ” khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức nhân sự thế nào được cho là “phù hợp” với quy mô hoạt động.

Hơn nữa, yêu cầu về tài chính, nhân sự, tổ chức nội bộ của doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh này là không cần thiết, bởi vì nhu cầu phát triển tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải bố trí tài chính cũng như nhân sự để có thể hoạt động. Nếu không có khả năng tài chính, cũng như nhân sự thì chính doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu rủi ro, còn những lợi ích công cộng sẽ ít bị ảnh hưởng. Do đó, Nhà nước không cần/không nên can thiệp về vấn đề này.

Nhiều quy định “thừa”?

Liên quan đến quy định về kinh doanh nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động về cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, Phương án đã cắt giảm một số điều kiện để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Điều này thể hiện tinh thần cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong hoạt động này vẫn còn một số điều kiện cần được xem xét để cắt giảm tiếp. Cụ thể, trong quy định “Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” bị đề nghị bỏ cụm từ “ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” để đảm bảo thống nhất với Luật Doanh nghiệp 2014.

Hoặc quy định “Có phương án đảm bảo chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người chơi” được coi là không cần thiết, vì trong bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thì yếu tố về chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người chơi là một trong những điểm để doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng. Vì vậy tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ nếu muốn tồn tại và phát triển. Do đó, đây là vấn đề của thị trường Nhà nước không cần/không nên can thiệp.

Về việc bảo vệ quyền lợi của người chơi, quy định hiện hành đã có nhiều ràng buộc để bảo vệ người chơi ở dưới góc độ (an toàn, bí mật thông tin cá nhân của người chơi; giới hạn thời gian chơi tối đa) – đây là những vấn đề thuộc về lợi ích công cộng, Nhà nước can thiệp là hợp lý. Còn vấn đề thuộc về lĩnh vực thị trường thì Nhà nước can thiệp là chưa hợp lý. Vì thế, các chuyên gia từ VCCI đề nghị cân nhắc bỏ điều kiện này.

Quy định “Có đội ngũ nhân sự quản trị trò chơi điện tử phù hợp với quy mô hoạt động và loại hình cung cấp dịch vụ” cũng bị coi vừa chưa đảm bảo tính minh bạch (không rõ thế nào được cho là “phù hợp”) vừa chưa đảm bảo tính hợp lý (tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải bố trí các nhân sự phù hợp để đảm bảo hoạt động), cần cân nhắc bãi bỏ.

Một số điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông chưa rõ mục tiêu quản lý

Các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (bao gồm Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông) theo quy định tại Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 81/2016/NĐ-CP.

Theo các chuyên gia, những quy định này cần được xem xét ở một số vấn đề. Quy định “Có đủ khả năng tài chính, bộ máy và nhân lực phù hợp với quy mô của dự án” là chưa rõ về mục tiêu quản lý, cần cân nhắc bỏ. Bởi, nếu nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh/hoạt động của doanh nghiệp thì là mục tiêu chưa phù hợp với quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014. Mặt khác, điều kiện này chưa đảm bảo yếu tố minh bạch vì không rõ như thế nào được cho là “đủ” khả năng tài chính, bộ máy và nhân lực.

Một quy định khác bị đề nghị cân nhắc bỏ là quy định “Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, các quy định về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá cước, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông” bị coi là sự can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp trong quyết định các phương án kinh doanh và ít ý nghĩa vì các phương án có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến thị trường.

Mặt khác, cơ quan nhà nước liệu có đủ năng lực để đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh của doanh nghiệp? Liên quan đến yếu tố quản lý về các phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giá cước, cơ quan nhà nước có thể quản lý bằng hình thức hậu kiểm thay vì quy định là điều kiện kinh doanh tại thời điểm mới gia nhập thị trường.

Đọc thêm