Quy định mới về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định chi tiết một số điều của Luật Giao thông đường bộ...

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định chi tiết một số điều của Luật Giao thông đường bộ, bao gồm: đặt tên hoặc số hiệu đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng và tiêu chuẩn kỹ thuật, thẩm định an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2010 và thay thế Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Báo Lâm Đồng trích giới thiệu một số nội dung chính của Nghị định này như sau:
* Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được lập cho ít nhất 10 năm và định hướng phát triển cho 10 năm tiếp theo. Đối với đô thị xây dựng mới, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm theo loại đô thị như sau: đô thị loại đặc biệt từ 24% đến 26%, đô thị loại I từ 23% đến 25%, đô thị II từ 21% đến 23%, đô thị loại III từ 18% đến 20% và đô thị loại IV, loại V từ 16% đến 18%; quỹ đất này là diện tích đất dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, không bao gồm diện tích sông, ngòi, ao, hồ và các công trình giao thông xây dựng ngầm.
* Đất hành lang đường bộ được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ; không được lắp đặt biển quảng cáo trong hành lang an toàn đường cao tốc. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ, theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải hoặc UBND cấp tỉnh về vị trí và thiết kế đoạn đường dẫn vào cửa hàng bán lẻ xăng dầu qua phần đất hành lang an toàn đường bộ./.
(Chuyên mục này có sự phối hợp cộng tác của Phòng Phổ biến Giáo dục pháp luật –Sở Tư pháp Lâm Đồng. ĐT: 3833.189.)

Đọc thêm