Quy định mới về tiêu chuẩn trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia: Nhiều trường - Hiện thực còn xa

 

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế quy định các tiêu chuẩn, việc tổ chức xét và công nhận trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi chung là trường trung học) đạt chuẩn quốc gia. So với quy định này, nhiều trường học ở cả nội thành và ngoại thành để đạt chuẩn chỉ là mơ ước.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế quy định các tiêu chuẩn, việc tổ chức xét và công nhận trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (gọi chung là trường trung học) đạt chuẩn quốc gia. So với quy định này, nhiều trường học ở cả nội thành và ngoại thành để đạt chuẩn chỉ là mơ ước.

 

Trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hồng Bàng) trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1
Trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hồng Bàng) trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1

5 tiêu chuẩn, 21 quy định cụ thể

 

Quy chế quy định 5 tiêu chuẩn về tổ chức nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất và thiết bị, công tác xã hội hóa giáo dục. 5 tiêu chuẩn này lại được cụ thể hóa bằng 21 quy định. Trong đó, quy định tổ chức trường trung học đạt chuẩn không được quá 45 lớp và mỗi lớp học không quá 45 học sinh. Đồng thời, tổ chức Đảng trong nhà trường phải đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh. Những trường chưa có tổ chức Đảng phải xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể về phát triển đảng viên trong từng năm học và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Về tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, bên cạnh các quy định về học lực, hạnh kiểm của học sinh, nhà trường phải được xếp loại tốt về phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong năm học liền trước khi công nhận đạt chuẩn. Về cơ sở vật chất và thiết bị, trường đạt chuẩn phải đủ diện tích sử dụng để bảo đảm các hoạt động quản lý, dạy học và sinh hoạt. Trong đó, các trường xây dựng từ trước năm 2002, nếu ở nội thành phải đạt ít nhất 6m2 /  học sinh, ngoại thành phải đạt ít nhất 10m2 /học sinh trở lên. Ngoài ra, còn một số quy định về khu phòng học, phòng bộ môn, thư viện, phòng truyền thống, khu luyện tập thể dục thể thao, phòng làm việc của Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên. Ban giám hiệu nhà trường, từng tổ bộ môn cũng phải đủ phòng làm việc…

 

Đủ tiêu chuẩn này, lại thiếu tiêu chuẩn kia

 

Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) là điểm sáng về chất lượng giáo dục của quận và thành phố. Đến thăm ngôi trường này, mọi người đều có ấn tượng về ngôi trường toàn diện về mọi mặt, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học, đến đội ngũ cán bộ, giáo viên và kết quả học tập của học sinh. Hiện 100% giáo viên nhà trường có trình độ trên chuẩn. Trường có 47 phòng học kiên cố đủ cho 47 lớp học một ca/ngày và 14 phòng chức năng đạt chuẩn. Năm 2008, nhà trường vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Vậy mà, ngôi trường này khó được công nhận đạt chuẩn quốc gia bởi diện tích của trường quá hẹp, tính bình quân mới đạt hơn 2m2 /học sinh. Ngoài ra, so với quy định về tổ chức nhà trường, hiện ngôi trường này vượt 2 lớp so với quy định.

 

Trường THPT Quốc Tuấn (An Lão) “sinh sau, đẻ muộn” được địa phương quan tâm cấp cho khu đất khá rộng để xây dựng trường. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí xây dựng trường bố trí theo kiểu “nhỏ giọt”, nên sau mấy năm xây dựng, ngôi trường chỉ vỏn vẹn ngôi nhà 3 tầng có 12 phòng học, dãy nhà để xe và khu vệ sinh. Cùng cảnh “đất rộng, tiền thưa” như trường Quốc Tuấn là các trường THPT Thụy Hương (Kiến Thụy) và THPT Hải An (quận Hải An) 

 

Đạt chuẩn- mục tiêu quá khó

 

Theo lãnh đạo ngành GD-ĐT, quá trình thực hiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tại Hải Phòng gặp khá nhiều khó khăn. Hiện Hải Phòng mới có hơn 200/700 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, bậc THCS có 44 trường, bậc THPT có 10 trường đạt chuẩn. Các địa phương kinh tế-xã hội phát triển và  xã hội hóa giáo dục đạt kết quả cao như Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân cũng chỉ có trên dưới 10 trường học đạt chuẩn. Với kết quả “khiêm tốn” như vậy, nhưng thành phố vẫn mạnh dạn đề ra mục tiêu đến năm 2013, 60% số trường học trên địa bàn thành phố được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong đó,  phấn đấu 40% các trường trung học đạt chuẩn. Không chỉ lãnh đạo ngành GD-ĐT mà một số địa phương cũng cho rằng mục tiêu này quá cao so với thực tế các trường hiện nay. Nên chăng, Bộ GD-ĐT nghiên cứu, xem xét lại quy định đạt chuẩn quốc gia,  nhất là quy định về diện tích đất/học sinh đối với các trường xây dựng từ trước năm 2002. Nếu không thay đổi một số quy định, sẽ thiệt thòi cho hầu hết các trường khu vực nội thành. Và đạt chuẩn sẽ mãi là ước mơ xa vời.

    

Minh Khuê

 

 

Đọc thêm