Luật sư Đoàn Trung Hiếu (Trưởng VP Luật sư Cộng Đồng) - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô như sau: Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
Theo đó, thời gian làm việc tối đa của người tài xế xe ô tô là 10 giờ/ngày (không được quá 10 giờ/ngày) và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Ngoài ra, người vận tải và người lái xe ô tô phải chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ điểm d khoản 6 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ
Đồng thời, tại điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 (trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện); điểm c, điểm d, điểm e khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm i, điểm k, điểm l, điểm m, điểm o, điểm q khoản 5; khoản 6; điểm b khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Theo đó, người tài xế điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định (quá 10 giờ/ngày và lái xe liên tục quá 4 giờ) tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước bằng lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Đối với chủ phương tiện giao cho người làm công, cho người điều kiển phương tiện thực hiện hành vi điều kiển xe quá thời gian quy định. Căn cứ điểm d khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.
Cụ thể, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23, điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23, điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này.
Như vậy, trong trường hợp trên, công ty là chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.