Quy hoạch các điểm khai thác cát trên sông

Tỉnh ta có 4 con sông lớn, bao gồm: sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ, với tổng chiều dài gần 520 km. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường, trên 4 con sông lớn của tỉnh có 14 điểm mỏ có trữ lượng cát lớn có khả năng khai thác. Trong đó, sông Hồng có 5 điểm, sông Đáy có 3 điểm, sông Đào có 4 điểm và sông Ninh Cơ có 2 điểm.

Tỉnh ta có 4 con sông lớn, bao gồm: sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ, với tổng chiều dài gần 520 km. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường, trên 4 con sông lớn của tỉnh có 14 điểm mỏ có trữ lượng cát lớn có khả năng khai thác. Trong đó, sông Hồng có 5 điểm, sông Đáy có 3 điểm, sông Đào có 4 điểm và sông Ninh Cơ có 2 điểm. Hiện nay, một số điểm mỏ thuộc sông Đáy, sông Ninh Cơ trữ lượng cát đã cạn kiệt; trên sông Đào chỉ còn 2/4 điểm mỏ còn có thể tiếp tục khai thác. Riêng 5 điểm mỏ trên sông Hồng, bao gồm: bãi Búng, bãi Gùi, Mom Rô, Sa Cao và bãi Hưng Long trữ lượng cát còn khá dồi dào.

Khai thác cát trên sông Đáy, đoạn chảy qua địa phận xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng).
Ảnh: Dương Đức

Trong những năm tới, nhu cầu về sử dụng cát ở tỉnh ta sẽ tiếp tục gia tăng, do vậy cần có sự nghiên cứu, đánh giá tổng thể về diện phân bố, đặc điểm, thành phần độ hạt, tính chất cơ lý, đặc tính phóng xạ, trữ lượng… để làm cơ sở cho công tác quy hoạch khai thác cát trên các tuyến sông, bảo đảm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản cát. Từ thực tiễn đó, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành điều tra 8 điểm và khảo sát sơ bộ thêm 7 điểm, tập trung ở hạ lưu sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Các điểm mỏ được Sở Tài nguyên - Môi trường điều tra chi tiết từ năm 2009 đến nay bao gồm: bãi Gùi 2, Mom Rô 2, Xuân Tân 1, Xuân Tân 2 (sông Hồng); Nghĩa Sơn, Nghĩa Bình (sông Ninh Cơ); Yên Phúc (sông Đào) và Nghĩa Hồng (sông Đáy). Theo kết quả phân tích, tính toán sự ảnh hưởng của hoạt động khai thác tới độ ổn định của dòng chảy, độ bền chắc của các công trình đê điều, các công trình phụ cận và môi trường sinh thái…, thì trước mắt việc khai thác cát trên các tuyến sông hiện nay chỉ nên tập trung tại các vị trí: bãi Búng, Hưng Long, bãi Gùi, Sa Cao và Mom Rô (sông Hồng); Tân Thành 1, Tân Thành 2 (sông Đào); Nghĩa Đồng, Đống Cao, Bến Mới, Hoàng Nam và Đò Mười (sông Đáy); Xuân Nghĩa, Xuân Hồng (sông Ninh Cơ) và một số điểm thuộc cửa Ba Lạt và cửa Lạch Giang. Đây được xem là điểm mỏ có trữ lượng tương đối lớn và có khả năng khai thác trong thời gian dài. Tuy nhiên những vị trí này lại là những khu vực không bảo đảm các yêu cầu để khai thác do khoáng sản cát từ chân đê đến ranh giới gần nhất của các bãi cát phân bố ở lòng sông quá gần hoặc việc khai thác sẽ làm thay đổi chế độ thủy lực của dòng sông và phá hủy bờ, ảnh hưởng đến độ an toàn của thân đê hay diện tích đất canh tác của người dân. Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế kết hợp với nghiên cứu các đặc điểm địa hình, diện mạo, quy luật lắng đọng trầm tích và phương pháp so sánh về đặc điểm cấu trúc địa chất, chất lượng khoáng sản, độ sâu khai thác…, Sở Tài nguyên - Môi trường đã xác định được 11 điểm mỏ dự kiến đưa vào quy hoạch để thăm dò và đánh giá trữ lượng, phục vụ khai thác, gồm: Giao Thiện, Hồng Thuận, Mỹ Trung (sông Hồng); Thịnh Long, Xuân Ngọc, Trực Phú (sông Ninh Cơ); Yên Bằng, Yên Trị (sông Đáy); Nam Dương, Hải Lạng, Đồng Sơn (sông Đào). Ước tính, tổng trữ lượng khoáng sản cát tại các điểm mỏ này dự kiến là gần 26 tỷ m3. Trong số những điểm mỏ dự kiến đưa vào điểm quy hoạch thăm dò, khai thác có một số điểm nằm gần với các KCN, khu đô thị mới như: điểm mỏ Lạch Giang (sông Ninh Cơ) gần Khu kinh tế Ninh Cơ; điểm mỏ Mỹ Trung gần KCN Mỹ Trung và thành phố Nam Định; điểm mỏ Xuân Ngọc gần KCN Xuân Trường… Hiện một số điểm mỏ cũng đã tiến hành khai thác để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và san lấp tạo mặt bằng như mỏ: Lạch Giang, Hải Lạng, Trực Phú, Hồng Thuận, Giao Thiện, Mỹ Trung và Đồng Sơn…

Để đáp ứng yêu cầu khai thác cát trên các tuyến sông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2020, Sở Tài nguyên - Môi trường đang tích cực phối hợp với Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc (Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam) triển khai thực hiện Đề án "Điều tra, khảo sát và quy hoạch bổ sung việc khai thác cát đến năm 2020". Thông qua việc thực hiện đề án sẽ cung cấp các số liệu khoa học để làm căn cứ phục vụ cho công tác lập quy hoạch, bảo đảm khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản cát trên các tuyến sông. Trên cơ sở những tài liệu thu thập được, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ xác định cụ thể những khu vực đủ điều kiện khai thác và những vị trí không đủ điều kiện khai thác, từ đó khoanh định các khu vực có thể khai thác theo quy mô: công nghiệp, quy mô nhỏ và khu vực cấm tất cả các hoạt động thăm dò, khai thác để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép trên sông; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch khai thác cát để làm căn cứ quản lý hoạt động khai thác cát. Việc khai thác cát lòng sông của các tổ chức, cá nhân phải được cơ quan chức năng của tỉnh cấp phép hoặc các địa phương được ủy quyền. Nghiêm cấm việc các địa phương tự ý cấp phép và thu thuế tài nguyên khai thác tại địa phương./.

Phạm Văn Đại

Đọc thêm