Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có quy mô nghiên cứu, tính chất bao quát lớn, nội dung tích hợp gồm nhiều phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực và địa bàn. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được triển khai thực hiện theo phương pháp tích hợp, đa ngành, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong định hướng phát triển và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, các quận, huyện, thị xã nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính TP Hà Nội, có tính tới mối liên hệ phát triển vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng. UBND TP Hà Nội là cơ quan tổ chức lập quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch là Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch sẽ được tổ chức lựa chọn theo quy định pháp luật về đấu thầu.
Nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị được phân công nhiệm vụ triển khai đồng thời, lồng ghép các nội dung, tinh gọn các thủ tục, rút ngắn thời gian triển khai các nội dung công việc nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng và tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Hồ sơ và nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phấn đấu hoàn thành trong quý II/2023 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào quý III/2023.
UBND TP Hà Nội giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định pháp luật có liên quan.
Ngày 25/5, HĐND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 21/TB-HĐND về nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Dự kiến tổ chức kỳ họp trong 4 ngày từ ngày 5/7/2022 đến ngày 8/7/2022.
Về nội dung, Kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND TP Hà Nội dự kiến xem xét, thông qua 35 nội dung gồm: 16 báo cáo (trong đó: 11 báo cáo thường lệ, 5 báo cáo chuyên đề); 19 tờ trình, dự thảo Nghị quyết (trong đó: 1 nghị quyết thường lệ, 18 nghị quyết chuyên đề).
Đáng chú ý, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét 5 báo cáo chuyên đề:
Thứ nhất, báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND TP trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP Hà Nội.
Thứ hai, báo cáo của UBND TP về sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Thứ ba, báo cáo của UBND TP về việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội.
Thứ tư, báo cáo của UBND TP về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP.
Thứ năm, báo cáo của UBND TP về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của TP.