Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Phát huy lợi thế kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có tiềm năng lớn về kinh tế biển, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đặt ra yêu cầu phát triển không gian kinh tế ven biển gắn với các trung tâm chuyên ngành về kinh tế biển lớn tầm khu vực và quốc tế…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng BTBDHTB khẳng định, Quy hoạch vùng BTBDHMT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng …

Chưa phát huy hết lợi thế kinh tế biển

Với chiều dài bờ biển gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước và nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn, vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (BTBDHTB) có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển (KTB) và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các lĩnh vực, ngành KTB và ven biển của vùng miền Trung đang được tập trung phát triển là: Du lịch và dịch vụ biển; Cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; Khai thác dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch; Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo.

Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại Hội nghị điều phối vùng BTBDHTB tổ chức ngày 11/10, vùng BTBDHTBĐ đã hình thành nhiều khu sản xuất, đánh bắt, chế biến hải sản lớn, nhiều mô hình KTB hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư với hệ thống giao thông (đường bộ, đường không) được đầu tư xây mới, mở rộng, nâng cấp. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo việc làm ổn định, thay đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng hiện đại. Sự gắn kết giữa phát triển KTB với bảo đảm quốc phòng, an ninh chặt chẽ hơn ở tất cả các khâu từ quy hoạch đến đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.

Tuy nhiên, phát triển KTB của vùng vẫn còn nhiều hạn chế, như: Hệ thống cảng trong vùng được xây dựng ở những nơi có các hệ sinh thái nhạy cảm và rất giá trị, thiếu các hạ tầng hỗ trợ; Số lượng DN, cơ sở KTB quy mô vừa và lớn còn ít, thiếu DN quy mô lớn công nghệ hiện đại, tiên tiến, DN công nghiệp thượng nguồn ở các khu vực ven biển để làm đầu tầu, hạt nhân thúc đẩy lan tỏa.

Đặc biệt, việc huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, công nghiệp ven biển còn khó khăn; Thiếu các cơ sở khoa học công nghệ, cơ sở đào tạo mang tính chuyên sâu về biển, KTB; Thiếu chính sách khuyến khích, ưu đãi đủ mạnh để thu hút những DN lớn, tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia đầu tư hoạt động trong những ngành KTB quan trọng; Chất lượng môi trường biển thay đổi dẫn đến nơi cư trú tự nhiên của loài bị phá hủy, gây tổn thất lớn về đa dạng vùng …

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Dự thảo quy hoạch

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Dự thảo quy hoạch

Đột phá vươn tầm khu vực và thế giới

Trình bày những nội dung chính của quy hoạch vùng BTBDHTB, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh tiềm năng, lợi thế để phát triển KTB.

Theo Bộ trưởng, Dự thảo Quy hoạch đã đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, đột phá. Trong đó, phát triển không gian kinh tế ven biển có trọng tâm, trọng điểm; Tập trung phát triển một số khu vực động lực, cực tăng trưởng gắn với các trung tâm chuyên ngành về KTB lớn tầm khu vực và quốc tế.

Quy hoạch nhấn mạnh tập trung phát triển mạnh KTB kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển; Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu; Phát triển với những ngành, lĩnh vực ưu tiên theo từng tiểu vùng như: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa - Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế - Bình Định); Nam Trung Bộ (Phú Yên - Bình Thuận).

Theo Dự thảo quy hoạch, Đà Nẵng được phát triển thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ lớn; trung tâm tài chính của Vùng; Khánh Hòa là trung tâm thương mại vùng Nam Trung bộ; Nghệ An là trung tâm thương mại, dịch vụ của tiểu vùng Bắc Trung Bộ; Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được phát triển trở thành trung tâm du lịch biển - đảo; Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được phát triển trở thành trung tâm logistics trên giao điểm giữa trục đường Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế Đông - Tây; Cảng Vân Phong được xây dựng thành một trong những cảng trung chuyển lớn của thế giới.

Tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT đã xin tham vấn, lấy ý kiến của các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản dự thảo Quy hoạch vùng BTBDHMT, trên cơ sở đó, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện...

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ảnh: Nguyễn Phong

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Ảnh: Nguyễn Phong

Đọc thêm