Theo Bộ Xây dựng, trong quý đầu tiên của năm 2022, cả nước có thêm 10.357 căn hộ nhà ở hình thành trong tương lai của 56 dự án BĐS, bằng 33,4% so với quý IV/2021, như vậy có thể thấy thị trường vẫn đang thiếu hụt lượng lớn nguồn cung nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong quý I/2022 có 22 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, cung cấp thêm 5.217 căn, bằng khoảng 47% so với quý IV/2021 và 54% so với cùng kỳ năm 2021; 39 dự án nhà ở thương mại cấp phép mới với 18.660 căn, bằng khoảng 80% quý IV/2021 và 41% cùng kỳ.
Tuy nhiên, đáng chú ý tổng số dự án đang được triển khai xây dựng hiện nay là 1.216 dự án, tương đương 332.387 căn, bằng 116% quý IV/2021 và 88% cùng kỳ. Trong đó, miền Bắc có 288 dự án với 157.116 căn; miền Trung 239 dự án tổng số 104.860 căn, miền Nam 689 dự án với 70.411 căn.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, có 9 dự án số lượng 1.850 lô đất nền, bằng 64% quý IV/2021; Dự án đang triển khai xây dựng có 181 tương đương 47.723 lô đất nền; bằng 103% quý IV/2021; 13 dự án đất nền được cấp phép mới, bằng 45% quý IV/2021.
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú, quý I/2022 chỉ có 1 dự án hoàn thành tại tỉnh Cao Bằng; 52 dự án đang triển khai với 20.118 căn hộ du lịch và 7.887 biệt thự du lịch, tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa (26), Vĩnh Phúc (7), Phú Yên (6); số lượng dự án bằng khoảng 98% so với quý IV/2021..
Số lượng các dự án BĐS, bao gồm nhà ở, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú do cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã thẩm định có 1.410 căn, bằng khoảng 68,2% so với quý IV/2021; biệt thự du lịch 540 căn trong khi quý IV/2021 không có căn nào. Đáng chú ý, văn phòng kết hợp lưu trú và căn hộ du lịch không có sản phẩm mới trong quý I/2022.
Bộ Xây dựng đánh giá, trong ba tháng đầu năm 2022, bối cảnh chung trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến, có cả yếu tố thuận lợi cũng như khó khăn tác động đến thị trường bất động sản.
Về thuận lợi, kinh tế trong nước duy trì đà phục hồi, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng, kinh doanh được khơi thông. Về khó khăn, với tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đã ảnh hưởng đến tăng trưởng các quốc gia trong đó có Việt Nam, giá xăng dầu cũng như nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm và tăng cao ảnh hưởng đến triển khai các dự án bất động sản.
Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai đồng bộ giúp cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Theo Bộ Xây dựng, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá…; dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật… tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phục hồi nhanh ngay trong quý I/2022.
Bộ Xây dựng dẫn số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực xây dựng đạt mức tăng trưởng là 2,57% so với cùng kỳ năm 2021.
“Thị trường bất động sản trong quý I/2022 cũng đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt; xuất hiện nhiều chủ đầu tư, dự án bất động sản mở bán hoặc lên kế hoạch mở bán trong thời gian ngắn; sự quan tâm và lượng giao dịch bất động sản tăng dần theo tháng và ở hầu hết các phân khúc của thị trường.
Thị trường bất động sản đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng”, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh.