|
Ở MB, mức tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm này là 40%, tức nhiều gấp đôi so với mức bình quân chung.
Tiếp cận vốn ngân hàng đang là bài toán khó cho rất nhiều DN, trong bối cảnh lãi suất huy động, cho vay vẫn ở mức cao. ĐTCK đã trao đổi với bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) xung quanh vấn đề này và triển vọng giảm lãi suất thời gian tới.
Thời gian vừa qua, nhiều DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ NHTM. Vậy thực tế tình trạng trên như thế nào? Đâu là vướng mắc chủ yếu, thưa bà?
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết quý III/2010, tăng trưởng dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 17,81%, khá khiêm tốn so với hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2010 là 25%.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý là, mức tăng trưởng tín dụng này tính trên toàn bộ hệ thống, trong khi nhiều ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng tín dụng cao, như ở MB, mức tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm này là 40%, tức nhiều gấp đôi so với mức bình quân chung.
Theo tôi, khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến hoạt động của các DN gặp khó khăn, do kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Và theo logic thông thường, khi đầu ra gặp khó khăn thì chính các DN cũng chùn chân trong việc vay vốn, vì tìm lời giải cho câu hỏi: đầu ra như thế nào, trả nợ ra sao là không dễ khi DN lập hồ sơ tín dụng.
Về phía các NHTM, chúng ta thấy rằng, đã có giai đoạn kinh doanh trên thị trường vốn vừa an toàn, lại cho hiệu quả cao hơn... Do đó, đã có tình trạng NHTM ngại cung ứng vốn tín dụng, nhưng con số này không nhiều.
Không ít NHTM đã lựa chọn hình thức dùng vốn mua trái phiếu của DN thay vì cho vay tín dụng theo cách thông thường. Theo bà, đâu là nguyên nhân của việc này và ưu, nhược điểm so với hình thức cấp tín dụng thông thường?
Đúng là thời gian vừa qua, do tín dụng tại ngân hàng khó khăn nên không ít DN đã lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu và đối tượng nhà đầu tư của đợt phát hành này hướng tới lại chủ yếu là NHTM. Về bản chất, đây cũng là một cách huy động vốn từ ngân hàng, nhưng không phải là công cụ tín dụng mà là trái phiếu. Với việc mua trái phiếu, dư nợ tín dụng không tăng thêm nhưng vốn vẫn chảy về với DN.
Ưu điểm của hình thức này là ngân hàng có nguồn thu ổn định và khi cần, họ cũng có thể đem bán, cầm cố trái phiếu DN (với các DN phát hành có uy tín) để lấy tiền về. Trong khi đó, DN lại đáp ứng được nhu cầu huy động vốn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một hạn chế là, ngân hàng rất khó để có thể thu hồi vốn trước thời hạn nếu DN phát hành trái phiếu mà họ đang nắm giữ gặp khó khăn.
Với mức lãi suất vay vốn cao như hiện tại, rất khó để DN có thể hoạt động hiệu quả. Bà đánh giá như thế nào về khả năng diễn biến lãi suất trong thời gian tới? Làm cách nào để có thể giảm lãi suất về mức hợp lý hơn cho DN?
Trên thực tế, giai đoạn 2007 - 2008, đã có lúc lãi suất cho vay tăng lên mức 22%/năm, nhưng vẫn không ít DN tìm mọi cách tiếp cận ngân hàng để được vay vốn, do thanh khoản ngân hàng lúc đó khó khăn và DN thì có phương án khả thi, họ chấp nhận được mức chi phí vốn trên.
Do đó, mức lãi suất 13 - 14% hiện nay không phải là mức cao nhất trong lịch sử ngân hàng, nên vấn đề chính ở đây là đầu ra của các DN. Thực tế, hàng tồn kho của các DN Việt Nam vẫn còn nhiều, nên khi bài toán đầu ra bị khó khăn, lãi suất sẽ trở thành vấn đề lớn. Đây là yếu tố vĩ mô, là vấn đề chung của nền kinh tế.
Thực tế, với các DN có phương án khả thi, có dự án tốt… thì họ vẫn tiếp cận được vốn với lãi suất thấp, thậm chí 10 - 11%/năm, vì đa phần đây là những khách hàng gắn bó với ngân hàng và ngân hàng vẫn muốn giữ chân họ. Trong khi đó, những DN gặp khó là DN không có phương án kinh doanh khả thi, không có tiềm năng trả nợ tốt thì họ vẫn được cho vay, nhưng phải chấp nhận mức lãi suất cao.
Về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, với xu hướng ngày một tích cực của nền kinh tế thì lãi suất sẽ có xu hướng điều chỉnh giảm. Thêm vào đó, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các NHTM lớn cũng sẽ đồng hành giảm lãi suất và khi đó, các NHTM nhỏ cũng phải giảm theo do áp lực cạnh tranh thị phần.
Tuy nhiên, trong quý IV, mức giảm nếu có sẽ không nhiều do khó khăn trong đầu vào, thanh khoản của ngân hàng, nên nếu giảm đầu ra nhiều thì ngân hàng sẽ không có lãi. Lãi suất phải là kết quả của tổng thể các vấn đề trong nền kinh tế, chứ không phải là nỗ lực của riêng ngân hàng.
Trong quý IV/2010, nguồn vốn vay dành cho DN của MB có gì đáng chú ý không, thưa bà?
Trong quý IV, MB sẽ dành 2.000 tỷ đồng cho DN vừa và nhỏ - khối DN chiếm tỷ trọng cao nhất tại Việt Nam. Chúng tôi đã cho ra mắt rất nhiều sản phẩm tiện ích giúp DN vừa và nhỏ có nhiều sự lựa chọn trong việc tiếp cận vốn, ví dụ như gói sản phẩm thấu chi DN, với nhiều đặc tính rất cạnh tranh.
Gói này bao gồm 4 sản phẩm: thấu chi tín chấp dựa trên dòng tiền với hạn mức 1 tỷ đồng, thấu chi dựa trên tiền gửi có kỳ hạn với hạn mức cao nhất tương đương 95% số tiền gửi, thấu chi dựa trên tài sản đảm bảo với hạn mức cao nhất là 7 tỷ đồng, thấu chi vốn lưu động dành cho DN phân phối bán lẻ với hạn mức có thể tương đương nhu cầu vốn lưu động.
Theo Tú Uyên
Đầu tư chứng khoán