“Quy trình bình chọn” được quy định tại Quy chế bình chọn Danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu năm 2012, theo đó “Việc bình chọn được tiến hành theo phương thức chấm điểm trên cơ sở so sánh hồ sơ bình chọn của tổ chức hành nghề luật sư và luật sư với các tiêu chí trong Quy chế. Quy trình cụ thể bao gồm các bước từ lập và gửi hồ sơ, đề cử và ứng cử vào các danh hiệu, đánh giá cho điểm, cho đến thẩm định kết quả chấm giải...
|
Theo quy chế các Luật sư được tự đăng ký công nhận các danh hiệu. Ảnh minh họa |
Còn việc đề cử và ứng cử vào các danh hiệu được quy định tại Điều 17, gồm 2 phương thức “1. Các tổ chức hành nghề luật sư và tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư được đề nghị Ban Tổ chức công nhận danh hiệu cho cá nhân là thành viên của mình; 2. Các tổ chức hành nghề luật sư, cá nhân luật sư được tự đăng ký công nhận các danh hiệu”.
Ngoài hồ sơ do các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư cung cấp, theo Điều 16/k.2 “Ban Tổ chức xây dựng hồ sơ cần thiết để gửi đến các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư nhằm thu thập thông tin, dữ liệu về luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để làm cơ sở kiểm chứng, đánh giá, thẩm định thông tin về hoạt động nghề nghiệp, uy tín, vai trò xã hội của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư”.
Theo thông lệ, những hồ sơ không hợp lệ sẽ không được xem xét, đánh giá bình chọn, còn “hồ sơ hợp lệ sẽ được Hội đồng bình chọn đánh giá và cho điểm theo từng tiêu chí. Việc chấm điểm được thực hiện theo phương pháp bỏ phiếu kín. Các thành viên Hội đồng bình chọn lần lượt cho điểm đối với từng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư”.
Để thực hiện việc chấm điểm, thì Hội đồng bình chọn cùng với Ban Tổ chức, với sự giúp việc của Ban Thư ký, tiến hành xây dựng bản “Quy chế chấm điểm”, trong đó lập ra các “thang bảng điểm” cho mỗi danh hiệu cũng như xác định số điểm cụ thể cho mỗi tiêu chí đã được quy định tại Quy chế, từ Điều 6 đến Điều 11.
Sau khi chấm điểm “Ban Thư ký tổng hợp số điểm mà Hội đồng bình chọn đã chấm đối với các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, sắp xếp theo trật tự từ điểm cao xuống thấp. Tổ chức hành nghề luật sư và luật sư được công nhận danh hiệu là những tổ chức hành nghề luật sư và luật sư có số điểm cao hơn”.
Còn theo Điều 16/k.6“Ban Tổ chức tiến hành thẩm định kết quả chấm giải của Hội đồng bình chọn bằng việc tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan và phỏng vấn trực tiếp cá nhân, tổ chức dự kiến sẽ trao danh hiệu. Trường hợp Ban Tổ chức phát hiện gian lận hoặc cá nhân, tổ chức trúng giải có vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, Ban Tổ chức và Hội đồng bình chọn sẽ họp và quyết định việc loại bỏ luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư khỏi danh các tổ chức, cá nhân dự kiến trao danh hiệu”.
Việc công nhận và công bố kết quả bình chọn được quy định tại Điều 18 “1. Căn cứ kết quả bình chọn của Hội đồng bình chọn, Ban Tổ chức sẽ tiến hành công bố danh sách các tổ chức, cá nhân được nhận danh hiệu và giải thưởng; 2. Danh sách các đơn vị, cá nhân đoạt giải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức việc trao danh hiệu cho các cá nhân, tổ chức được công nhận”.
Thực tế, Lễ vinh danh “Hãng luật và Luật sư của năm” năm 2010, đã được tổ chức trọng thể vào tối ngày 4 tháng 5 tại khách sạn Deawoo (Hà Nội), với sự có mặt của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và nhiều quan chức nhà nước khác, 10 tổ chức hành nghề luật sư đã được trao danh hiệu “Hãng luật của năm” là: Công ty Luật TNHH Invest Consult, Công ty Luật hợp danh YKVN, Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam - Vilaf Hồng Đức, Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie Việt Nam, Công ty Luật TNHH SmiC, Văn phòng luật sư Đức Quang, Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh - Vision & Associate, Văn phòng luật sư Bizlink, Công ty Luật hợp danh Nghiêm và Chính, Công ty Luật hợp danh Luật Việt; cùng với 5 luật sư đã được trao danh hiệu “Luật sư của năm” là: Phạm Thành Long, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Trâm, Lê Thành Kính và Đỗ Trọng Hải...
Ngoài ra, việc “rút danh hiệu đã trao tặng” và “giải quyết các yêu cầu, khiếu nại và tố cáo” cũng được quy định cụ thể tại các Điều 19, 20 Quy chế.
Để giúp cho Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn thực hiện các công việc cần thiết trong quá trình bình chọn thì một Ban Thư ký được thành lập “Thành viên của Ban Thư ký gồm đại diện Báo pháp luật Việt Nam và đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức...” (Điều 15 Quy chế).
P. T. V.