Đến nay, Việt Nam đã có khá nhiều nghiên cứu về người CTN trong tư pháp hình sự nói chung và trong lĩnh vực pháp luật hình sự nói riêng. Tuy nhiên, các nghiên cứu chủ yếu tiếp cận vấn đề dưới góc độ chính sách xử lý hình sự và tăng cường hiệu quả của cơ chế xử lý hình sự người CTN phạm tội. Trong khi đó, một trong những đặc điểm của tư pháp đối với người CTN theo chuẩn mực pháp lý quốc tế là tư pháp dựa trên quyền của người CTN và lấy các em làm trung tâm. Bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền của người CTN khi tiếp xúc với pháp luật với mục đích hướng tới hạnh phúc và sự phát triển nhân cách của các em là bản chất của tư pháp đối với người CTN.
Cùng với đó, Việt Nam đã ký và phê chuẩn nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của trẻ em và người CTN trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng. Đây là lĩnh vực có khả năng bảo vệ quyền con người ở mức độ cao nhất, đồng thời cũng là cơ chế bảo đảm tiếp cận công lý cho người CTN trên cơ sở đặc điểm, nhu cầu có tính riêng biệt của các em. Ngoài ra, việc quan tâm đến quyền của người CTN trong pháp luật hình sự còn có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa tội phạm. Quy định việc xử lý người CTN vi phạm pháp luật với những nguyên tắc như bảo đảm quyền, tôn trọng, thân thiện, khoan dung, hợp lý, hướng thiện, phục hồi trong khi vẫn đảm bảo tính răn đe cần thiết có tác động tích cực đối với các em, từ đó giúp các em có ý thức tôn trọng pháp luật và cộng đồng.
Trong tất cả các hoạt động liên quan đến trẻ em, dù thực hiện bởi tổ chức phúc lợi xã hội công hoặc tư, các cơ quan tư pháp, các cơ quan hành chính hoặc cơ quan lập pháp, những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải trở thành mối quan tâm căn bản. Do đó đòi hỏi các quốc gia trong hoạt động lập pháp cũng như tất cả các hoạt động có liên quan đến lợi ích của trẻ em và người CTN phải bảo đảm những lợi ích tốt nhất của các em.
Người CTN khi tiếp xúc với hệ thống tư pháp dù ở bất cứ vai trò gì, vì lí do gì đều được đối xử tốt đẹp và công bằng. Người CTN có quyền được tham gia và thể hiện quan điểm của mình trong bất kỳ thủ tục tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có ảnh hưởng đến các em, trực tiếp hoặc qua người đại diện hoặc qua một cơ quan thích hợp, theo cách phù hợp với các quy tắc tố tụng của luật pháp quốc gia. Để phát huy được quyền này, các tiến trình tố tụng phải được thực hiện trong môi trường thuận lợi để các em tự tin bày tỏ quan điểm của mình. Quyền được lắng nghe và tham gia đầy đủ vào tiến trình tố tụng của trẻ em, người CTN được thúc đẩy thông qua việc áp dụng các biện pháp phù hợp với độ tuổi của các em để lấy lời khai, đưa ra cách giải thích đơn giản về quy trình giải quyết vụ việc và bảo đảm rằng các em nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của cha mẹ, người giám hộ và luật sư.
Hệ thống tư pháp thân thiện với người CTN và trẻ em giúp cải thiện hiệu quả các thủ tục tố tụng tư pháp. Một hệ thống tư pháp thân thiện với các em là hệ thống có các quy trình, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử đáp ứng được các nhu cầu đặc biệt của các em; mọi quyết định được dựa trên lợi ích tốt nhất của các em; người CTN được tôn trọng và đối xử bằng tình thương; hệ thống dựa trên các nhu cầu cá nhân, lợi ích và sự riêng tư của các em được tôn trọng và bảo vệ. Hệ thống này yêu cầu các vụ việc có sự tham gia của người CTN được xử lý nhanh, ngăn chặn những chậm trễ, trì hoãn không cần thiết, đồng thời đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng được đào tạo, tập huấn để tiến hành tố tụng trong các vụ việc liên quan đến người CTN.
Bằng việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, quy trình thủ tục phù hợp với độ tuổi và thân thiện với trẻ em có thể giúp giảm bớt sự căng thẳng cho trẻ, nâng cao chất lượng và sự chính xác trong lời khai của trẻ, tăng khả năng hợp tác của trẻ và bố mẹ với cơ quan tiến hành tố tụng, tăng cơ hội để có một tiến trình tố tụng với kết quả công bằng và hợp lý. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cán bộ tư pháp, người hành nghề luật khác với nhân viên xã hội và các cán bộ chuyên trách để bảo đảm các em kịp thời nhận được sự hỗ trợ cần thiết.