Nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng về quyền bào chữa
Với trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật hiện nay, người dân rất khó khăn trong việc tự bảo vệ các quyền và lợi ích của mình trong tố tụng hình sự. BLTTHS năm 2015 có quy định gì mới để bảo vệ người dân thực hiện tốt nhất quyền bào chữa của mình?
- Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền bào chữa, bảo đảm quyền bào chữa. So với BLTTHS hiện hành, quy định về quyền bào chữa, đảm bảo quyền bào chữa trong BLTTHS năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung rất quan trọng. Chẳng hạn, thay vì những quy định có tính chất tản mạn (03 điều luật) về một số vấn đề liên quan đến quyền bào chữa, BLTTHS năm 2015 đã pháp điển hóa một cách khá toàn diện, đầy đủ các quy định về quyền bào chữa, bảo đảm quyền bào chữa tại một chương riêng (Chương V).
Bộ luật cũng mở rộng chủ thể được đảm bảo quyền bào chữa, theo đó, ngoài 03 chủ thể đã được bảo đảm quyền bào chữa: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng được đảm bảo quyền bào chữa (Điều 58). Bên cạnh đó, mở rộng và chính thức ghi nhận địa vị pháp lý của trợ giúp viên pháp lý là một trong các loại người bào chữa. Theo đó, với BLTTHS năm 2015, người bào chữa có thể là: luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân và trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Đặc biệt, BLTTHS mở rộng diện người bào chữa theo chỉ định, theo đó cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mà BLHS quy định mức cao nhất là 20 năm tù, thay vì mức cao nhất là tử hình như quy định của BLTTHS năm 2003. Bộ luật cũng quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn (kể từ khi có người bị bắt) thay vì tham gia từ khi có quyết định tạm giữ như hiện nay (Điều 74). Đồng thời, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, luật sư có quyền tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố (Điều 83).
Ngoài ra, còn nhiều quy định mới khác có lợi cho người dân như chuyển đổi thủ tục “cấp giấy chứng nhận người bào chữa” bằng thủ tục “đăng ký bào chữa”; bổ sung người thân thích của người bị buộc tội có quyền mời người bào chữa, thay vì chỉ có người bị buộc tội và người đại diện hợp pháp của họ có quyền mời người bào chữa (Điều 75); quy định rõ trách nhiệm của người bào chữa v.v…
Người dân rất quan tâm tới “quyền im lặng” của bị can, bị cáo. Ông có thể giải thích quyền được im lặng có phải là quyền không trả lời những câu hỏi của Công an, của Toà án? Khi thực hiện quyền được im lặng có bị coi là “ngoan cố, không khai báo thành khẩn” không?
- Quyền im lặng hay còn gọi là quy tắc Miranda là một quyền của con người được ghi nhận đầu tiên trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ trên cơ sở phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1966 về vụ án của Ernesto Miranda (vụ án về bắt cóc và cưỡng dâm). Nội dung của quyền im lặng gắn liền với quyền tự do và an toàn cá nhân của người bị buộc tội và được xác định trong Công ước của Liên Hợp quốc năm 1966 về quyền dân sự và chính trị.
Theo các chuẩn mực quốc tế và pháp luật các quốc tế đã ghi nhận về “quyền im lặng”, có thể xác định quyền im lặng có các nội dung cơ bản sau: (i)Nghi phạm có quyền không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội; (ii) Nghi phạm có quyền có luật sư để hỗ trợ pháp lý nói chung, lấy lời khai nói riêng và (iii) Nghi phạm có quyền có luật sư chứng kiến khi lấy lời khai.
Các quyền nói trên của nghi phạm sẽ làm phát sinh nghĩa vụ của điều tra viên, công tố viên, những người này có trách nhiệm giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo về những quyền đó trước khi lấy lời khai. Các lời khai của người bị buộc tội đưa ra thiếu sự cảnh báo này không được coi là chứng cứ buộc tội tại phiên xét xử (không hợp pháp). Tuy nhiên, quyền im lặng không loại trừ quyền khai báo của người bị buộc tội. Người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo có quyền khai báo sau khi được giải thích về quyền im lặng. Việc nhận tội của bị can, bị cáo luôn được xem là tình tiết giảm nhẹ trong quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Pháp luật TTHS của Việt Nam trước kia, hiện hành cũng như trong BLTTHS năm 2015 không trực tiếp ghi nhận quyền này. BLTTHS năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 13). “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” (Điều 15).
Ngoài ra, trong pháp luật TTHS cũng đã có những quy định gián tiếp thể hiện một số nội dung của quyền im lặng, ví dụ như quy định về việc người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can, BLTTHS năm 2015 cũng quy định tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi, nếu khi được hỏi bị cáo không trả lời thì HĐXX chuyển sang hỏi người khác, các quy định về quyền bào chữa, BLHS không coi hành vi từ chối khai báo hoặc khai báo không đúng sự thật của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là tội phạm…
Đặc biệt, trong BLTTHS năm 2015 đã chính thức ghi nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo quyền được “trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Đây có thể được coi là một nội dung của quyền im lặng, quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tạo sự nhận thức thống nhất trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung.
Do đó, xét về bản chất, có thể hiểu quyền im lặng không hẳn là quyền không nói gì mà bản chất là quyền không buộc phải khai báo những điều bất lợi cho bản thân, không buộc phải nhận mình có tội. Quyền im lặng có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với quyền bào chữa, bổ sung cho nhau để bảo đảm cho tố tụng hình sự được tiến hành đúng đắn, khách quan, tránh làm oan người vô tội. Quyền nhờ người khác bào chữa là một phần cụ thể của quyền im lặng và quyền im lặng là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, hạn chế được oan sai trong TTHS.
Như vậy, trong trường hợp nói trên, cần hiểu quyền im lặng đó là quyền không trả lời những câu hỏi của Công an, Tòa án, khai báo về những vấn đề bất lợi cho bản thân, không buộc phải nhận tội. Trên thực tế cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng luôn mong đợi sự hợp tác của người bị buộc tội, nhưng nếu không nhận được sự hợp tác tích cực của người bị buộc tội thì cũng không thể coi đó là tình tiết tăng nặng được. Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không coi người bị buộc tội không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những vấn đề bất lợi cho bản thân, không buộc phải nhận tội hay “ngoan cố, không khai báo thành khẩn” là tình tiết tăng nặng.
Sẽ thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến cử tri
Được biết, ông đã được Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách, ông có thể cho biết ông được giới thiệu về ứng cử tại địa bàn nào không ạ?
- Tôi được Hội đồng Bầu cử quốc gia giới thiệu về ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại đơn vị bầu cử số 3, gồm thành phố Bảo Lộc, huyện Cát Tiên, huyện Bảo Lâm, huyện Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai của tỉnh Lâm Đồng.
Ông có đặt ra cho mình một chương trình hành động hay một mục tiêu cụ thể nào để đại diện cho người dân sẽ tin tưởng bỏ phiếu cho ông không?
- Là một trong ba ứng cử viên được Hội đồng Bầu cử quốc gia giới thiệu về ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại tỉnh Lâm Đồng, đây là vinh dự to lớn đối với tôi và cũng là cơ hội để tôi được gần gũi với nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Tôi ý thức rằng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyền quyết định các vấn đế quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Là đại biểu Quốc hội sẽ có điều kiện tốt nhất làm cầu nối giữa cử tri và Quốc hội, chuyển tải trung thực, chính xác tâm tư, nguyện vọng của cử tri cả nước, đặc biệt là cử tri nơi mình đại diện, góp phần để Quốc hội thực hiện tốt nhất chức năng của mình.
Với kinh nghiệm gần 20 năm là công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng pháp luật, khảo sát, tiếp xúc trực tiếp với người dân trên nhiều vùng, miền trong cả nước, nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số nên tôi thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân. Nếu được các quý vị cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội.
Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của cử tri!