Quyền lợi khách hàng thế nào khi Beeline rời Việt Nam?

Trong vòng 6 tháng nữa, kể từ khi chuyển giao vốn, GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline. Tuy nhiên, hiện giờ phía GTel Mobile vẫn chưa có bất cứ thông tin gì về phương án thay thế thương hiệu của mình. Điều đó nhiều người dùng của mạng Beeline lo ngại quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.

Trong vòng 6 tháng nữa, kể từ khi chuyển giao vốn, GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline. Tuy nhiên, hiện giờ phía GTel Mobile vẫn chưa có bất cứ thông tin gì về phương án thay thế thương hiệu của mình.

Từ mạng “ngoại” trở thành mạng “nội”

Công ty cổ phần ciễn thông di động Toàn cầu Gtel Mobile (thương hiệu Beeline VN) đã chính thức tuyên bố về việc chuyển đổi hình thức sở hữu cổ phần đối với hoạt động của liên doanh Gtel Mobile tại Việt Nam. Theo đó, toàn bộ 49% cổ phần của đối tác ngoại VimpelCom trong liên doanh đã được Công ty truyền dẫn và dịch vụ hạ tầng Gtel mua lại, đưa Gtel Mobile trở thành công ty 100% vốn của các cổ đông trong nước.

Gtel Mobile đã hợp tác với các cơ quan, ban ngành liên quan để hoàn thành mọi thủ tục chuyển đổi cổ phần. “Việc chuyển đổi sở hữu 100% vốn sẽ cho phép Gtel Mobile phát huy thế mạnh của một doanh nghiệp Việt Nam am hiểu thị trường viễn thông để tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh và trở nên thành công hơn nữa trên thị trường Việt Nam” – đại diện GTel tuyên bố.

Tại thời điểm khai trương mạng di động Beeline tại Việt Nam - tháng 7/2009, VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần, tương đương khoản đầu tư lên tới 267 triệu USD trong mạng di động này. Tiếp đó, đến tháng 4/2011, VimpelCom còn rót thêm 196 triệu USD, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong Gtel Mobile từ 40% lên 49%. VimpelCom thường xuyên khẳng định Việt Nam là một thị trường quan trọng để công ty phát triển tại thị trường châu Á.

Giải thích về việc rút khỏi Việt Nam, ông Pavel Borodin, Phó chủ tịch Tập đoàn Vimpelcom, cho biết, đây là quyết định “phù hợp với chiến lược phát triển chung của VimpelCom trên toàn cầu, chúng tôi đã quyết định thu gọn hoạt động tại một số khu vực và vùng lãnh thổ, nhằm tập trung vào các thị trường trọng điểm.

Chúng tôi đánh giá cao quan hệ hợp tác với Gtel trong liên doanh Gtel Mobile và hoàn toàn tin tưởng vào nghiệp vụ chuyên môn cũng như kỹ năng quản lý của đối tác trong việc tiếp tục phát triển thương hiệu và kinh doanh của công ty trong thời gian tới. Chúng tôi luôn xác định Gtel Mobile là đối tác truyền thống trong các hoạt động hợp tác và cam kết sẽ hỗ trợ Gtel Mobile về đào tạo, chuyển giao về quản trị thương hiệu trong tương lai.”       

Ai sẽ đảm bảo quyền lợi khách hàng?

Trong vòng 6 tháng nữa, kể từ khi chuyển giao vốn, GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline. Tuy nhiên, hiện giờ phía GTel Mobile vẫn chưa có bất cứ thông tin gì về phương án thay thế thương hiệu của mình. Điều đó nhiều người dùng của mạng Beeline lo ngại quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Thành – chuyên gia viễn thông, có thể nhìn nhận việc chuyển đổi hình thức sở hữu cổ phần đối với hoạt động của liên doanh Gtel Mobile tại Việt Nam về thực chất chỉ là việc chuyển đổi quyền sở hữu về cổ phần trong nội bộ nhà mạng.

“Beeline trước đây là mạng di động có yếu tố nước ngoài thì giờ đây sẽ trở thành mạng di động hoàn toàn của người Việt” – ông Thành nói – “Chỉ có điều, trong vòng 6 tháng tới, Gtel Mobile sẽ phải đưa ra một cái tên mới cho mạng di động đang hoạt động dưới cái tên Beeline Việt Nam, và người dùng sẽ phải làm quen với sự thay đổi thương hiệu này”.

Khẳng định về trách nhiệm đối với hàng triệu thuê bao, ông Nguyễn Văn Dư, Phó Tổng giám đốc Gtel Mobile, cho biết: “Chúng tôi cam kết tiếp tục cung cấp dịch vụ viễn thông di động với phong cách truyền thông mới tới người dân Việt Nam. Sự hợp tác với VimpelCom trong thời gian qua đã đem đến cho thị trường nhiều sản phẩm đột phá và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Kế thừa những kinh nghiệm và thành quả đạt được, Gtel Mobile sẽ tiếp tục đầu tư và triển khai các dịch vụ thông tin di động nhằm mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng.”

Beeline đã giành được thị phần nhất định trên thị trường viễn thông di động Việt Nam một phần nhờ chính sách giá cước với những gói cước rẻ như cho không. Sự rút lui của đối tác ngoại sẽ đặt GTel trước bài toán duy trì ưu thế gói cước và mở rộng vùng phủ sóng cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ để tiếp tục phát triển trên thị trường viễn thông đang cạnh tranh khốc liệt.

Bách Nguyễn

Đọc thêm