Quyền tác giả âm nhạc: Sẽ thu 42 tỷ đồng trong năm 2011 ?

Cứ nhìn vẻ hào hứng, phấn chấn của hàng trăm nhạc sĩ buổi gặp mặt ngày cận Tết Tân Mão tại Hà Nội, đủ thấy  sự “ăn nên làm ra” của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. 

Cứ nhìn vẻ hào hứng, phấn chấn của hàng trăm nhạc sĩ buổi gặp mặt ngày cận Tết Tân Mão tại Hà Nội, đủ thấy  sự “ăn nên làm ra” của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.  1730 tác giả, chủ sở hữu ủy quyền cho Trung tâm; doanh thu từ tiền sử dụng  tác phẩm âm nhạc trong năm 2010 là 32,5 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2009… là  con số mà tác giả các ngành nghệ thuật khác mơ ước. Nhưng với nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thì số tiền thu được trong năm qua chưa phản ánh đúng thực tế sử dụng tác quyền âm nhạc tại Việt Nam.

Lĩnh vực biểu diễn được coi là khá “ rầm rộ” nhưng tiền tác quyền thu được lại “ khiêm tốn”. Ảnh: Đỗ Thu
Lĩnh vực biểu diễn được coi là khá “ rầm rộ” nhưng tiền tác quyền thu được lại “ khiêm tốn”.                                                                                                Ảnh: Đỗ Thu

“Chĩa mũi nhọn” vào Cục Nghệ thuật biểu diễn- hay nói cách khác là “đổ lỗi” của việc  thất thu tác quyền âm nhạc là do cơ quan cấp phép biểu diễn - Cục Nghệ thuật biểu diễn và  Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch một số địa phương, nhạc sĩ Phó Đức Phương có phần “đay nghiến” và hơi “nanh nọc” khi than thở trước giới nhạc sĩ nỗi khổ của những người tiên phong đi đòi tác quyền.  Trong số hơn 32 tỷ  đồng tiền thu tác quyền năm 2010  thì gần 10 tỷ đồng thu từ dịch vụ nhạc chuông điện thoại; 3 tỷ do các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, văn phòng… sử dụng nhạc; 3 tỷ thu từ các quán karaoke, phòng trà; truyền hình trả 3 tỷ;  websites tải nhạc: gần 3 tỷ; nhân bản đĩa CD: gần 2 tỷ….Riêng lĩnh vực biểu diễn vốn được coi là khá “rầm rộ” chỉ thu được 1,6 tỷ đồng. Theo ông Phương, tại địa bàn Hà Nội năm 2008 có 493 chương trình biểu diễn; năm 2009 có 485 chương trình; 6 tháng đầu năm 2010 có 395 chương trình  nhưng… chỉ 2 % số đơn vị biểu diễn thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng tác quyền âm nhạc. Riêng 6 tháng cuối năm 2010, Trung tâm không thu được tiền sử dụng âm nhạc từ bất kể cuộc biểu diễn nào tại địa bàn này. Nguyên nhân được chỉ ra là do “lỗ hổng” của các  văn bản pháp lý  khi “Không quy định hồ sơ xin phát hành băng đĩa và hồ sơ xin cấp phép công diễn phải có văn bản hợp đồng và  giấy biên nhận đóng tiền bản quyền” (Công văn số 750/NBD-PQL ban hành tháng 11-2009 của Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi các sở VHTTDL toàn quốc) và Điều 22 Quy chế 47 về  Hoạt động biểu diễn  và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Chính điều này đã trở thành vật cản, khiến ở nhiều lĩnh vực- cụ thể là biểu diễn nghệ thuật, những người đi đòi tác quyền âm nhạc trở thành những “chàng Đông-ky-sốt” chiến đấu với “cối xay gió”.
Than là thế, nhưng chính Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cũng nhận thấy còn một nguyên nhân khác khiến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chưa “làm chủ” được địa bàn biểu diễn nghệ thuật là do nhiều tác giả  mặc dù đã ký ủy quyền với Trung tâm nhưng vẫn trực tiếp ký hợp đồng với các  đơn vị sử dụng nhạc khác. Vì thế, nói chỉ 2% trong số gần 1500 chương trình biểu diễn trong các năm 2008, 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 tại Hà Nội  thực hiện việc trả tác quyền là không chính xác. Càng không chính xác nếu nói tất cả chương trình biểu diễn 6 tháng cuối năm 2010 “lờ” tác quyền. Bởi, rất nhiều tác giả đã nhận tác quyền thỏa thuận trực tiếp từ đơn vị  biểu diễn.  Điều này thì chẳng thể trách các đơn vị  tổ chức biểu diễn nghệ thuật  vì việc trả tác quyền bao nhiêu phụ thuộc vào sự thỏa thuận. Ở thời điểm mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã vươn tay tới nhiều lĩnh vực và thu tới trên 30 tỷ đồng / năm, liệu có nhạc sĩ nào để người khác “kinh doanh chùa” tác phẩm  mà chịu yên lặng? Hay chính họ đã nhận đủ  tác quyền nên làm thinh?  
Thêm một nguyên nhân khiến lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật số  tiền thu tác quyền tỷ lệ nghịch với số lượng chương trình biểu diễn là bởi không ít chương trình được tổ chức phục vụ mục đích chính trị. Phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho rằng, dù biểu diễn phục vụ mục đích chính trị (biểu diễn trong các lễ hội), thì nghệ sĩ, nhạc công cũng nhận được thù lao (cho dù là tượng trưng), vậy tại sao nhạc sĩ lại không được hưởng thù lao tượng trưng ấy? Còn phía đơn vị tổ chức biểu diễn thì quan niệm, hầu hết tác phẩm biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị là của các thế hệ nhạc sĩ đi trước- những người được Nhà nước đầu tư đào tạo, trả lương sáng tác, trả nhuận bút tác phẩm lần đầu và cũng đã có nhiều chính sách đãi ngộ theo năm tháng… nên khi tác phẩm được sử dụng trong những ngày lễ trọng là thể hiện sự tôn vinh về mặt danh dự đối với các nhạc sĩ. Đồng thời cũng là thể hiện sự cống hiến của người nhạc sĩ đối với đất nước đã đào tạo, trả lương họ trong bao năm…Riêng nghệ sĩ, nhạc công biểu diễn, mỗi lần biểu diễn là một lần sáng tạo, một lần đổ mồ hôi trên sàn tập, đương nhiên họ phải được hưởng thù lao tập luyện và biểu diễn. Đó là chưa kể, trong mấy năm vừa qua, có tác giả cả năm không làm gì… vẫn thu hàng trăm triệu đồng tiền tác quyền vì tác phẩm của họ được sử dụng. Nếu nhìn sang các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác, sẽ thấy rất nhiều tác giả vẫn lặng lẽ cống hiến cho xã hội sức sáng tạo của mình cho dù quyền của họ với tác phẩm vì nhiều lý do chưa được thực hiện. Chẳng phải, nếu cứ  cứng nhắc đòi tiền ở những lúc, những nơi cần phải rộng  lượng, sẽ là một sự thái quá hay sao?
Điều đó cho thấy, việc thực thi tác quyền là cần thiết và phải làm nhưng cũng phải “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Nhất là đối với những chương trình, hoạt động phục vụ chính trị, hoặc phục vụ nhu cầu giải trí đối với người dân ở các địa bàn khó khăn vùng sâu, vùng xa. Mặc dù vậy, kế hoạch thu 42 tỷ đồng (thu tiền sử dụng tác phẩm trong nước : 41,6 tỷ đồng; thu tiền sử dụng tác phẩm từ các tổ chức quốc tế: 400 triệu đồng)  trong năm 2011 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc không phải là điều quá xa vời. Bởi  ngoài các khu vực đã triển khai thu tác quyền trong năm 2010 vẫn tiếp tục được duy trì do các hợp đồng đã được ký kết, năm nay Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc mở rộng lĩnh vực thu tác phẩm trên mạng điện thoại 3G; các phần mềm trò chơi game online; làm tác phẩm phái sinh….

 Thu Hằng

Đọc thêm