Với các nhà xuất khẩu Việt Nam, tìm hiểu thị trường châu Âu và Mỹ, câu căn dặn đầu tiên thường là hãy chú ý và làm vừa lòng các Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng của nước sở tại. Hội này ở những nước như vậy thường rất nhiều, một loại hàng hóa có khi có tới vài chục. Nhưng dặn như thế không thừa, bởi vì ở những nước như thế, quyền của những người tiêu dùng rất lớn, nhiều khi quyết định cả chính sách của Nhà nước, cả sự thành bại của doanh nghiệp.
Nhưng ở ta thì hình như chưa thế. Các nhà kinh doanh, nhất là các nhà bán lẻ khi vào Việt Nam thường kinh ngạc vì thói quen và hiểu biết quyền lợi của người tiêu dùng nước ta, mặc dù lâu nay, gần như ai cũng biết đến câu “khách hàng là thượng đế”.
Trước hết, không phải ai cũng hiểu rõ về phạm vi khái niệm tiêu dùng vốn rất rộng lớn. Theo quan niệm như vậy thì không chỉ mua hàng hóa mới là tiêu dùng mà còn cả việc sử dụng phải trả bằng tiền mọi dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, vui chơi, giải trí…, nghĩa là bạn là người tiêu dùng khi bạn trả tiền cho những nhu cầu của mình trong quan hệ thị trường. Thứ hai là, người tiêu dùng có nghĩa vụ và có quyền. Cả hai điều này, người tiêu dùng nước ta chưa hiểu hết và phần nhiều chưa thực hiện đầy đủ.
Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, 42% hàng hóa trên thị trường nước ta là hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả, hàng lậu. Những hàng hóa này vẫn được tiêu thụ hằng ngày. Cùng với hàng hóa là dịch vụ. Những vụ chết người do bệnh viện; tai nạn lao động, tai nạn giao thông do người khác; ngộ độc do dùng thực phẩm không an toàn; mất tiền gửi do ngân hàng; mua vé vào rạp bị nghe hát nhép, vào sân vận động để xem một trận bóng đá đã dàn xếp tỷ số… không hiếm, nhưng số đơn thư khiếu nại, tố cáo rất ít và hầu như chưa có vụ nào phải giải quyết thông qua tòa án.
Hàng hóa trong nước đã vậy, việc thẩm tra, kiểm định hàng hóa từ nguồn nước ngoài còn sơ sài hơn. Giá sữa và chất lượng sữa vừa qua là một thí dụ. Trong tiêu thụ, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý theo số đông. Loại hàng nào nhiều người mua; nhà hàng nào đông người vào; dịch vụ nào thị phần tăng nhanh là theo. Hay nể nang trước lời mời chào; ngượng ngùng khi mặc cả; mua bán thường hấp tấp, không kiểm tra kỹ giá cả và hàng hóa; không kiểm tra chất lượng hàng hoá mới mua tại cửa hàng; sĩ diện khi trả tiền; thiên về hình thức, ít quan tâm tới chất lượng… là thói quen và tâm lý của không ít người. Ngược lại, việc không tôn trọng nghĩa vụ của người mua như trung thực, khách quan, tôn trọng người bán; lịch sự trong giao tiếp cũng là những nhược điểm không nhỏ.
Trên thế giới, “Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới” lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 năm 1983. Hai năm sau đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phê chuẩn bản Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Bảo vệ người tiêu dùng, đưa ra các nguyên tắc khung để tăng cường các chính sách bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia. Những năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã thực sự quan tâm đến chủ đề của ngày này. Đó là những chủ đề hết sức gần gũi và thiết thực. Chủ đề của năm 2008 và 2009 là đấu tranh ngăn chặn việc tiếp thị những thực phẩm có hại cho sức khỏe và suy dinh dưỡng cho trẻ em. Chủ đề của ngày này vừa qua là “Tiền của chúng ta quyền của chúng ta”, tập trung vào các vấn đề về quyền của người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ tài chính. Đây là chủ đề rất có ý nghĩa đối với người tiêu dùng khi việc sử dụng dịch vụ tài chính đang ngày càng phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế thời gian qua; những vấn đề tiêu cực, bất cập trong văn minh tiêu dùng, văn minh thương mại vẫn diễn ra thường ngày. Xây dựng nếp sống văn minh, thông minh trong tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng góp phần vào quá trình phát triển không chỉ trong một ngày mà phải trở thành sự quan tâm thường xuyên của mọi người trong tất cả mọi ngày trong năm.
Phạm Vũ