Quyết định khó ngờ của NATO

(PLO) - Nato lại một lần nữa mở rộng liên minh quân sự với việc kết nạp Montenegro làm thành viên thứ 29. Sau 7 năm, NATO mới lại kết nạp thêm thành viên mới và từ sau khi Liên Xô tan rã, NATO đã nhiều lần mở rộng tổ chức kết nạp thêm cả thảy 12 thành viên mới, nhưng lần mở rộng liên minh này lại đặc biệt hơn cả.

Montenegro chỉ là một quốc gia nhỏ trên bán đảo Balkan và thuộc Liên bang Nam Tư trước đây. Đất nước này chỉ có hơn 600000 dân và quân đội hơn 2000 binh lính. Liên Xô vốn là địch thủ của NATO nhưng nay đã không còn. Liên bang Nam Tư cũng đã biến mất.

Về cơ bản, trật tự chính trị và an ninh ở châu Âu, ở vùng xung quanh nước Nga và trên bán đảo Balkan - sau một số cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang đến nay đã định hình và ổn định. Bởi thế, việc có thêm thành viên mới Montenegro là quyết định chính trị của NATO nhiều hơn là sự cần thiết đối với NATO về quân sự và an ninh.

Nói theo cách khác, NATO muốn có số lượng thành viên đông hơn trong khi không thật sự cần đến sự đóng góp thật sự của thành viên mới về sức mạnh quân sự và vị trí địa chiến lược.

Hiện tại, ngoài Montenegro còn có Bosnia - Hercegovina, Macedonia và Grudia mong muốn được đứng trong hàng ngũ thành viên NATO. Nhưng chỉ có Montenegro được NATO lựa chọn để kết nạp vào thời điểm hiện tại cũng chính vì NATO cần thông điệp chính trị từ việc mở rộng liên minh hơn là tăng thêm sức mạnh quân sự và an ninh nhờ kết nạp thêm thành viên mới.

Cái may đối với Montenegro là NATO hiện cần thông điệp chính trị ấy nhằm vào Nga mà tránh được nguy cơ Nga sẽ tăng cường vũ trang, tiềm lực quân sự và quốc phòng ở mức thích đáng để đối phó NATO.

Từ trước tới nay, Nga luôn phản đối mạnh mẽ việc NATO mở rộng liên minh quân sự, đặc biệt lôi kéo những nước ở khu vực láng giềng xung quanh Nga vào NATO. Nga coi đó là mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh của Nga và làm thay đổi sự cân bằng chiến lược ở khu vực châu Âu theo hướng bất lợi đối với Nga. Vì thế, sau khi đã thiết lập được cơ chế hợp tác với Nga, NATO rất kiềm chế với việc mở rộng liên minh kết nạp thêm thành viên mới, nhưng rồi xảy ra những chuyện ở Ucraine.

Nga tiếp nhận Crimea và hậu thuẫn phe ly khai chống chính phủ ở Ucraine, quan hệ giữa Ucraine với Nga trở nên thù địch và giữa NATO với Nga trở nên đối địch. Hệ thống phòng thủ tên lửa mới của NATO ở châu Âu được NATO chuyển đổi mục đích từ đối phó với tên lửa của Iran sang đối phó Nga. NATO đã điều chỉnh chiến lược ở châu Âu và tăng cường triển khai quân đội, căn cứ quân sự và vũ khí ở khu vực xung quanh Nga, mới đây nhất là kết nạp Montenegro.

Tất cả đều nhằm trước hết đối phó Nga cả về chính trị lẫn quân sự và an ninh trên châu lục. NATO hành động vậy để trấn an tâm thần của một số thành viên, đặc biệt những thành viên ở khu vực địa lý sát cạnh Nga.

NATO hành động vậy để củng cố lý do và mục đích tồn tại của chính nó, để tranh thủ cơ hội tập hợp lực lượng trên châu lục, để vươn lên trở thành nhân tố quyết định nhất hoặc nếu không được thì ít nhất cũng là một trong những nhân tố quyết định nhất đối với cấu trúc chính trị an ninh ở châu Âu, đối với an ninh và ổn định ở châu Âu.

Kết nạp thêm Montenegro lần này, NATO nhằm vào danh nghĩa chứ không phải nhằm đáp ứng nhu cầu về quân sự và an ninh, để như tất cả các nước khác ở châu Âu và cả ở khu vực Trung Á là NATO luôn mở cửa chờ đón họ gia nhập liên minh, lôi kéo các nước này ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga và ngăn cản họ bị Nga lôi kéo vào phạm vi ảnh hưởng của mình.

Trù tính của NATO là Nga sẽ phản ứng mạng mẽ và sẽ có biện pháp đối phó, nhưng thiên về chính trị hơn là quân sự khi NATO tăng được lượng mà không tăng được chất...

Đọc thêm