(HPĐT)- Sáng 24-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị (trực tuyến) triển khai Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Tham dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải và lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng.
Về phía thành phố Hải Phòng, có Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền; Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành và lãnh đạo các sở, ngành.
Thắt chặt tín dụng
Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày 7 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, trong đó mục tiêu yêu cầu chính là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát.
Theo đó, trong năm 2011, chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, điều hành lãi suất phù hợp để chống lạm phát, điều chỉnh tỷ giá phù hợp...; thắt chặt chính sách tài khóa, giảm 10% chi tiêu công, giảm bội chi dưới 5%, các bộ ngành phải rà soát cắt giảm dự án đầu tư công báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 3. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và kiểm soát chặt chẽ nhập siêu...; tập trung bảo đảm sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và kiên quyết cắt giảm nhập siêu, thực hiện lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện theo thị trường, giảm bao cấp của nhà nước nhưng phải gắn với bảo đảm hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Cùng với tập trung cao cho việc thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nhất là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, chính phủ yêu cầu làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là những vấn đề mà dư luận đang quan tâm…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh công bố quyết định tăng giá điện và giá xăng của Chính phủ. Theo đó, từ 10 giờ sáng 24-2, giá bán lẻ xăng tăng 2.900 đồng/lít, từ 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít, dầu diezel cũng điều chỉnh tăng 3.550 đồng/lít lên 18.300 đồng/lít, dầu hỏa tăng 3.100 đồng/lít từ 15.100 đồng lên 18.200 đồng/lít, dầu mazut tăng 2.110 đồng/kg, từ 12.690 - 14.800 đồng/kg. Đây là đợt điều chỉnh tăng giá mạnh nhất từ trước đến nay đối với mặt hàng xăng dầu.
Về giá điện, giá bán bình quân là 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng từ 1-3, tức là tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân năm 2010. Biểu giá bán lẻ điện áp dụng từ năm 2011 với nguyên tắc: Biểu giá điện bậc thang cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 7 bậc, với bậc thang đầu tiên (từ 0 - 50 kWh) có giá ở mức tương đương giá thành điện bình quân, giá điện cho bậc thang thứ 2 (từ 0 - 100 kWh) ở mức bằng giá bán điện bình quân được duyệt, giá điện cho các bậc thang tiếp theo tăng dần. Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện cho 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. Kinh phí hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo lấy từ tiền bán điện…
|
Các đại biểu dự Hội nghị tại Hải Phòng. |
Đề nghị chính phủ quan tâm gỡ “nút thắt”
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền nhất trí cao với nội dung Nghị quyết; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện Nghị quyết, đồng thời báo cáo Chính phủ một số nét chính về tình hình kinh tế- xã hội của thành phố 2 tháng năm 2011.
Cụ thể, nền kinh tế cơ bản ổn định và phát triển: sản lượng hàng hóa qua cảng tăng 11,7%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,3%. Tín hiệu vui đối với công nghiệp thành phố là Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng và Nam Triệu vừa xuất khẩu 4 tàu, trị giá 114 triệu USD; trong tháng 3 phát điện thương mại hai tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, công suất 600MW. Tổ chức cấp thẻ bảo hiểm y tế năm 2011 cho các đối tượng hộ nghèo, người từ 80 tuổi trở lên…
Năm 2011, chính quyền thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế. Trong đó tập trung cao thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài và đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng lớn vào hoạt động. Thành phố cũng cam kết đưa ra các chính sách và giải pháp nhằm vừa bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường; chú trọng giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm…
Chủ tịch Dương Anh Điền cũng kiến nghị Chinh phủ quan tâm hỗ trợ vốn đối với dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở cảng Hải Phòng nhằm tháo gỡ “nút thắt” cho nền kinh tế thành phố, cũng như cả nước; phân bổ điện ở mức cao nhất có thể, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố; trừ ngay khoản hộ trợ giá điện 30.000 đồng/hộ/tháng cho các hộ thuộc diện hộ nghèo, trong nguồn kinh phí từ tiền bán điện…
Kết thúc hội nghị, Chính phủ đề nghị, các địa phương làm tốt công tác kiểm soát giá, không để đầu cơ đẩy giá lên cao nhất là với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, xăng dầu,… Đi đôi với đó là việc chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện tốt công tác quản lý thị trường ngoại tệ, vàng…