Quyết tâm đổi mới tư duy trong xây dựng luật

(PLVN) - Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tại Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xác định các nhóm vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện, trong đó thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh 1 trong 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế. Theo đó, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công – tư…

Bên cạnh đó, một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đặt ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương sáu, Khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong đó, xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật (XDPL), bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.

Thời gian qua, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản và tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật được nâng lên…

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Điển hình là hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao. Quy định bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mặc dù đã được phát hiện, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung… Những hạn chế, bất cập trên đã phần nào làm nản lòng các doanh nghiệp; gây khó khăn, phiền nhiễu cho người dân. Nhưng quan trọng hơn là làm cho các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động công vụ bị méo mó, từ đó nảy sinh tệ tham nhũng, tiêu cực…

Quyết tâm tháo gỡ những bất cập này trong thời gian tới, tại Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xác định các nhóm vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện, trong đó thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân…

Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển ( Ảnh minh họa)

Mới đây, phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư) Tô Lâm đã nhấn mạnh 3 vấn đề, trong đó có vấn đề đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp. Tổng Bí thư đã yêu cầu phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài.

Đồng thời, phải đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Đảng ta cũng yêu cầu tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.

Thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, hội nghị bàn về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đã rất nhiều lần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành trong quá trình hoàn thiện các dự án luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong đó, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (ngày 28/9/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo- đã nhấn mạnh yêu cầu: xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật phải theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, DN, xóa bỏ cơ chế “xin-cho” và môi trường phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt; với tư duy thông thoáng, đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài cho sự phát triển, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh lợi ích cục bộ.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 vừa được Bộ Tư pháp tổ chức để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp về nhu cầu đổi mới công tác xây dựng pháp luật

Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, ngày 9/10 vừa qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Đây là cơ hội để các Bộ, ngành nắm bắt những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp trở ngại trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ đó có giải pháp khắc phục về thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là “thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân...”.

Diễn đàn hướng tới 2 mục tiêu chính. Một là, nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang trên đà khôi phục và phát triển hiện nay; làm rõ các vấn đề tồn tại đó xuất phát từ nguyên nhân nào, do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật hay cả hai?

Thứ hai, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, nhất là ở khía cạnh áp dụng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, xác định rõ các định hướng để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, với thông điệp “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, Diễn đàn này sẽ tiếp tục khẳng định cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, đó là luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Đồng thời, đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Có thể nói, thực tiễn cuộc sống luôn thay đổi và phát triển. Bởi vậy, không có quy định luật pháp nào có thể phủ hết ngay được các góc cạnh của cuộc sống đa chiều. Do đó, lập pháp phải luôn đi song song với cuộc sống; công tác xây dựng pháp luật phải tiếp tục đổi mới tư theo hướng bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan; không cầu toàn, không nóng vội; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của doanh nghiệp, người dân là trên hết, trước hết.

Đọc thêm