Quyết tâm khắc phục những bất cập trong bộ máy hành chính

(PLO) - Không thể phủ nhận việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong giai đoạn vừa qua đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế thì công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhiều hạn chế; đặc biệt là tình trạng bổ nhiệm thừa cấp phó diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, đến mức trong cơ quan, sếp nhiều hơn nhân viên, gây bức xúc, bất bình trong dư luận…
Quang cảnh Hội nghị.

Nhìn nhận rõ thực trạng này và để tìm ra giải pháp khả quan, hôm qua (14/7), Đoàn Giám sát của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn Giám sát chủ trì Hội nghị. 

Nhiều mục tiêu cải cách bộ máy chưa đạt được

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2011-2016, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Hệ thống thể chế, luật pháp tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện.

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được kiện toàn tinh gọn hơn và sắp xếp, điều chỉnh theo mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với chức năng, nhiệm vụ tập trung vào quản lý vĩ mô. Việc quản lý biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có bước được nâng lên…

 Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng cho thấy, hiện vẫn còn nhiều mục tiêu cải cách bộ máy hành chính nhà nước chưa đạt được: tổ chức bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, nhiều đầu mối và tầng nấc trung gian; còn tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, chưa thực hiện tốt nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhiều hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố...

“Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các quan điểm chủ trương đúng đắn của Đảng về cải cách bộ máy còn thiếu thống nhất, chưa thực sự kiên quyết; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện việc đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy chưa được tiến hành đồng bộ…”- Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội nhận định.

Có thể nói, trong thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã diễn ra tình trạng “bội thực” lãnh đạo cấp phòng, thậm chí có những sở có hàng chục cấp phó phòng, có địa phương bổ nhiệm thừa cả trăm phó phòng, khiến dư luận địa phương không thể không nghi vấn liệu có sự bất thường gì ở đây?

Trước thực tế này, tại Phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, các thành viên của Đoàn đã đề nghị đại diện Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thuộc Chính phủ  làm rõ các vấn đề liên quan đến biên chế công chức, số lượng viên chức và người làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước.

Cụ thể, tỷ lệ số lượng người giữ chức vụ lãnh đạo (từ cấp phó trưởng phòng trở lên) so với số lượng công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp có hợp lý không? Việc quản lý, sử dụng biên chế  ra sao (việc giao biên chế đã hợp lý chưa, có tình trạng sử dụng biên chế vượt so với số được giao không, tình trạng sử dụng lao động hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn có phổ biến không)?...

Sử dụng vượt hơn 7.900 biên chế

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 15/3/2017, tổng số đối tượng được thẩm tra tinh giản biên chế là gần 5.000 người. Kết quả giám sát cho thấy, tại 11 địa phương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An sử dụng vượt hơn 7.900 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. 

Lý giải về việc tăng biên chế công chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng nguyên nhân là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp, huyện, xã. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, sử dụng biên chế, tinh giản biên chế và thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng biên chế công chức... 

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện các mục tiêu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Chẳng hạn, quy định cụ thể về biên chế, cấp phó của các cơ quan làm cơ sở để rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các bộ. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, để tinh gọn bộ máy và biên chế phải có cách nhìn, quan điểm thống nhất, tổng thể. “Từ nay cho đến khi kết quả giám sát báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 không còn nhiều, trong khuôn khổ của hội nghị ngày hôm nay với tinh thần dân chủ, khoa học, tôi đề nghị các đồng chí thành viên Đoàn giám sát, các vị đại biểu phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể.

Đây là chuyên đề giám sát khó, phức tạp nhưng có ý nghĩa quan trọng được cử tri và các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm”- Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị và cho biết, trên cơ sở các ý kiến, Đoàn Giám sát sẽ tiếp thu để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, bổ sung đầy đủ lập luận, số liệu, phụ lục kèm theo để báo cáo tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Đoàn Giám sát dự kiến tổ chức vào cuối tháng này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 và tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ tư vào tháng 10 tới.

Đọc thêm