Ra mắt ghi chép, phác họa chưa từng công bố của họa sỹ tài danh Lưu Công Nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nhà xuất bản Thế giới và nhà báo Đào Mai Trang (Báo Nhân Dân) vừa ra mắt cuốn sách “Lưu Công Nhân và hội họa” tập hợp nhiều ghi chép, phác họa chưa từng công bố của họa sỹ tài danh.
Danh họa Lưu Công Nhân
Danh họa Lưu Công Nhân

Ấn phẩm là biên khảo đầu tiên về hành trình hội họa của họa sỹ Lưu Công Nhân (1929-2007), người có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử hội họa hiện đại Việt Nam.

Công trình được xây dựng từ nguồn dữ liệu văn bản, hình ảnh do anh Lưu Anh Tuấn, con trai út của cố họa sỹ cung cấp cùng với nguồn tài liệu do tác giả thu thập từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bộ sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài.Ấn phẩm gồm ba chương. Chương đầu ghi lại các mốc thời gian quan trọng trong hành trình nghệ thuật Lưu Công Nhân từ thuở ấu thơ đến khi ông tạ thế.

Chương hai “Chúng ta là họa sỹ” gồm 4 phần nội dung chính: Về việc vẽ, Về cái đẹp, Về đồng tiền, Họa sỹ-anh là ai? Chương này bao gồm các trích đoạn từ các “cái viết” của Lưu Công Nhân, gồm nhật ký, thư gửi bạn hữu, bài báo, ghi chép rời, sổ ghi chép và thư không gửi.

Chương ba: “Vẽ Lưu Công Nhân” gồm ba phần: Vẽ một người tài, Vẽ một người trọng tình, Vẽ một người mơ. Chương này bao gồm trích đoạn từ những gì người khác viết về ông, qua đó hé mở những chiều kích khác về một Lưu Công Nhân mà nhiều thế hệ công chúng tưởng như đã quen, đã biết.

Danh họa Lưu Công Nhân sinh ngày 5 tháng 7 năm Tân Mùi, theo Dương lịch là ngày 17/8/1931 tại quê nội, làng Lâu Thượng, huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ. Quê ngoại làng bên: làng Dữu Lâu cùng huyện. Từ 1950 – 1954, ông học tại trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam, sau đó công tác tại Cục địch vận Tổng cục Chính trị (1953 - 1955). Từ năm 1955 – 1965, ông tham gia tiếp quản Trường Mĩ nghệ Hà Nội và trở thành giảng viên Trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội; Hoạ sĩ tổ sáng tác Hội Mĩ thuật Việt Nam.

Những tác phẩm của Lưu Công Nhân đều góp phần vào phong trào lớn của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Ông đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quí như Giải thưởng Nhà Nước (đợt I – 2002), Giải thưởng triển lãm toàn quốc 1951 – 1960, Giải thưởng triển lãm quốc tế Vienne 1959, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng III, Huân chương chống Mỹ hạng I, Huân chương Lao động hạng I, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật...