Lầu Tàng Thơ là một công trình được xây dựng vào mùa hè năm 1825, dưới thời vua Minh Mạng, là kho lưu trữ nhằm mục đích xử lý các thông tin liên quan đến việc điều hành quốc sự và lưu trữ tư liệu cho việc viết sử sách.
Công trình bao gồm một tòa nhà 2 tầng đồ sộ, xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường có độ dày 0,4 m, mái lợp ngói đất nung. Tầng trên là nơi lưu trữ sổ sách tư liệu, có 7 gian 2 chái, trổ nhiều cửa chung quanh (7 cửa lớn và 11 cửa sổ), các gian thông thương với nhau bằng 3 lối cửa. Chung quanh xây lan can thông thoáng để không khí luôn lưu chuyển nhằm tránh sự ẩm mốc. Tầng dưới của tòa nhà có 11 gian với 18 cửa lớn.
|
Các đại biểu tham quan không gian lưu trữ thư tịch tại lầu Tàng Thơ. |
Ước tính không gian Lầu Tàng Thơ lưu trữ hơn 70.000 đầu sách và tư liệu thuộc nhiều dạng thức khác nhau như Hán Nôm, kiến trúc, Phật giáo, bản đồ. Đặc biệt nhiều thư tịch quan trọng của nhà Nguyễn đã được giới thiệu tới đông đảo công chúng như Châu bản triều Nguyễn, Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, Đại Nam thực lục, Minh Mạng chính yếu…
Trải qua thời gian và bao biến động lịch sử, Lầu Tàng Thơ đã bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2000, dự án nghiên cứu, phục hồi Lầu Tàng Thơ được khởi động, đến năm 2014 công trình này đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế tiến hành trùng tu với kinh phí 24,8 tỉ đồng để tái hiện nguyên trạng hình ảnh Lầu Tàng Thơ trong quá khứ. Sau hơn 7 năm tu bổ, đến nay công trình đã hoàn thành.
Trong thời gian tới, ngoài việc lưu trữ, không gian này cũng là nơi tổ chức công bố các đầu sách về văn hóa Huế. Ấn phẩm đầu tiên dự kiến sẽ công bố vào ngày 17/3 là tác phẩm “Địa chí văn hóa Huế”.