Tham dự chương trình có nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương.
Các đại biểu tham dự chương trình. (Ảnh: Hoàng Quyên) |
Tại lễ ra mắt, Trưởng ban quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết, năm 2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu là phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đưa những giá trị đó thành nguồn lực phát triển của kinh tế - xã hội Thủ đô.
“Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố, chúng tôi nhận thức rằng, di sản dù giá trị đến mấy, vẫn mới chỉ là “tài nguyên”. Muốn tạo nên sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch, phát huy tối đa giá trị di sản thì cần biến giá trị di sản đó thành sản phẩm văn hóa, từ đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Để hiện thực hóa nhận thức đó, Ban quản lý Di tích và danh thắng đã xây dựng chương trình trải nghiệm “Ngọc Sơn - đêm huyền bí” để khai thác phục vụ nhu cầu trải nghiệm của nhân dân và khách du lịch”, ông Nguyễn Doãn Văn cho biết thêm.
Trình chiếu ánh sáng 3D mapping tại Tháp Bút. (Ảnh: Hoàng Quyên) |
Chương trình được chia làm 5 chủ đề chính, tương ứng với các khu vực kiến trúc riêng biệt của di tích đền Ngọc Sơn, bao gồm: Lễ ban chữ Thánh hiền - tại khu vực Tháp Bút; Nghi thức đón linh khí của trời đất - tại khu vực cầu Thê Húc và Đắc Nguyệt Lâu; Truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm diễn ra tại khu vực mặt hồ phía trước đình Trấn Ba; Nghi lễ cầu An diễn ra trong khu vực đền chính; tham quan phòng trưng bày tiêu bản rùa Hồ Gươm và vãn cảnh đền.
Biểu diễn múa nghệ thuật trên cầu Thê Húc. (Ảnh: Hoàng Quyên) |
Điểm khác biệt của chương trình so với những sản phẩm đêm khác của Hà Nội đó là sự kết hợp giữa kiến trúc cổ kính của di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn và các nghi lễ, truyền thuyết dân gian được lưu truyền tại di tích.
Chương trình sử dụng âm thanh, ánh sáng, công nghệ trình chiếu hiện đại kết hợp các màn trình diễn để truyền tải đến du khách những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam theo một cách mới.
Tái hiện cảnh vua Lê trả gươm báu cho rùa vàng. (Ảnh: Hoàng Quyên) |
Màn trả gươm được dàn dựng công phu. (Ảnh: Hoàng Quyên) |
Tại chương trình, du khách được nghe những bài hát về Hà Nội, múa nghệ thuật trên cầu Thê Húc. Điểm nhấn là màn biểu diễn tái hiện vua Lê đi thuyền rồng trả gươm báu cho rùa vàng. Đây cũng là màn trình diễn hấp dẫn người dân và du khách không chỉ bởi việc sử dụng công nghệ trên mặt nước mà còn bởi tính sử thi huyền bí.
Tham gia chương trình trải nghiệm, du khách được nhập vai vào các nghi lễ văn hóa dân gian truyền thống của người Việt.
Chương trình thu hút du khách trải nghiệm. (Ảnh: Hoàng Quyên) |
Việc ra mắt sản phẩm trải nghiệm “Ngọc Sơn - đêm huyền bí” góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Hà Nội, được kỳ vọng thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Sau đêm ra mắt, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội sẽ bắt đầu đón khách trải nghiệm chương trình vào các tối từ thứ hai đến thứ sáu. Dự kiến mỗi tối sẽ phục vụ 60-70 khách.
Đền Ngọc Sơn nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, là một trong những danh thắng nổi tiếng nhất của Thủ đô.
Đền Ngọc Sơn là di tích thể hiện hiện tượng hỗn dung văn hóa của người Việt, với việc thờ nhiều vị thánh, thần khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất là Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Những hạng mục của ngôi đền như: Tháp bút, đài nghiên, cầu Thê Húc… từ lâu đã là niềm tự hào của người dân Thủ đô.