Ngày 28/7, TAND TP Hà Nội đã xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Văn Doanh về tội hành hạ, ngược đãi vợ dẫn đến hậu quả chị này chết vì uống bả chó. Trước đó, Doanh đã bị TAND huyện Sóc Sơn tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. >> Uống bả chó tự vẫn hay bị chồng bức tử? Trước khi HĐXX vào phòng xử án, các phóng viên đang tác nghiệp thì Doanh đứng trước vành móng ngựa la hét, chỉ tay hăm dọa, thách thức phóng viên với nét mặt hung dữ: “Chụp cái gì mà chụp, có tin giật máy ảnh đập nát không?”. Theo cáo trạng, trong 15 năm chung sống, Doanh đã nhiều lần chửi mắng đánh đập vợ. Lần hành hạ cuối cùng vào ngày 31/5/2009, chị gái của Doanh bị ốm nhờ chị Lưu đến gặt lúa giúp. Biết chồng không đồng ý nhưng chị Lưu vẫn đến giúp, nói dối chồng là đi cắt cỏ. Đồng thời chị Lưu còn biếu chị chồng 200 ngàn đồng để bồi dưỡng sức khoẻ.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Doanh |
Biết chuyện, vừa xót công vừa xót của, Doanh đã dùng dây cu roa máy xát lúa đánh và tát vào mặt vợ. Chưa hết, Doanh còn bắt chị Lưu cùng về bên ngoại để mách tội. Tối hôm đó, chị Lưu cùng chồng về nhà... Khoảng 11h đêm, hai người con phát hiện mẹ đã chết, nằm trên giường. Kết quả pháp y cho thấy trong người chị Lưu có độc tố bả chó. Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình nạn nhân không đồng ý với cáo trạng cũng như phán quyết của tòa sơ thẩm nên đã kháng cáo. Tại phiên tòa hôm qua, ba luật sư bảo vệ quyền lợi cho đại diện người bị hại đều cho rằng, việc truy tố của VKS như vậy là hoàn toàn không chính xác. Theo đó, một luật sư cho rằng, VKS truy tố Doanh về tội hành hạ vợ là hoàn toàn không chính xác. Theo Điều 151 BLHS, một người chỉ có thể bị truy tố tội danh này khi thuộc một trong hai trường hợp: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Ở đây, tất cả các cơ quan tố tụng đều không chứng minh được hậu quả nghiêm trọng của vụ án trong khi Doanh thì chưa hề bị xử phạt hành chính về hành vi này bao giờ. Nếu hậu quả của hành vi này dẫn đến cái chết của chị Lưu thì phải truy tố Doanh về tội bức tử mới đúng tội. Một luật sư khác nói, trong lời khai của Doanh tại cơ quan điều tra ngay sau khi vợ chết, Doanh đã biết vợ uống bả chó khi những người khác còn đang bàng hoàng chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Việc này cơ quan điều tra đã không làm rõ được và chính bị cáo cũng không giải thích. Do đó, người ta có quyền nghi ngờ về cái chết của chị Lưu và rất có thể đó là do chính bị cáo trực tiếp gây ra. Thêm nữa, ngay khi chị Lưu chết, cơ quan điều tra đã đến hiện trường nhưng không niêm phong mà lại bỏ về, sáng hôm sau mới tiến hành khám nghiệm thì lại ghi “hiện trường đã bị xáo trộn”. Dấu vân tay trên gói đựng bả chó, vật chứng đều không thu giữ được, mẫu vật đem đi khám nghiệm không được niêm phong và không có chữ ký của người chứng kiến. Theo đó, không thể nói các cơ quan đã làm đúng các thủ tục tố tụng như lời đại diện VKS. Trong vụ án này chứng cứ buộc tội chủ yếu dựa vào những lời khai nhân chứng chứ không hề dựa vào chứng cứ. Tuy nhiên, những nhân chứng này lại là con ruột (vẫn còn rất nhỏ) hay những người thân của bị cáo. Các luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ và giao cho Công an TP Hà Nội điều tra lại vụ án này. Cần thiết phải bắt giam Doanh để cách li với những nhân chứng khác. HĐXX quyết định nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào ngày 3/8.
Theo Hồng Anh
Khoa học Đời sống online
Khoa học Đời sống online