Hải Phòng là thành phố có tốc độ phát triển công nghiệp và kinh tế khá nhanh. Tuy nhiên, sự phát triển đó đang kéo theo hệ lụy rất lớn là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các huyện ngoại thành.
Rác thải tràn ngập bên đường xã Thiên Hương - Thủy Nguyên |
Rác thải chất đống...
Theo sở TNMT Hải Phòng, chỉ tính riêng 7 huyện ngoại thành, mỗi ngày có trên 700 tấn rác sinh hoạt của người dân, ước tính đến năm 2020, con số này có thể lên đến hơn 1.000 tấn/ngày. Các huyện ngoại thành trên địa bàn Hải Phòng đang loay hoay trong vấn đề xử lý rác thải, xử lý nguồn ô nhiễm do rác thải gây nên.
Thủy Nguyên là một trong những "điểm nóng" về rác thải sinh hoạt của TP. Ước tính mỗi ngày có khoảng 70 tấn rác thải sinh hoạt tương đương với trên 135 m3 rác được xả ra trong một ngày, trong số này có gần 30% số rác được vận chuyển ngay, số còn lại một phần được chuyển tới các hố chôn rác của các thôn và phần lớn nằm trên các ga rác hay ven đường hàng tháng mới được thu gom vận chuyển. Rác thải lưu cữu từ ngày này sang ngày khác bên đường gây ô nhiễm cho người dân nơi đây.
Ghi nhận của phóng viên, hiện nay ở xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, các ga rác đã chật kín, rác thải được đổ tràn ra ven đường dài hàng trăm mét, số rác này đang trong quá trình phân hủy, nước chảy ra đen kịt và bốc mùi xú uế khiến ai đi qua đây đều bức xúc.
Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng xảy ra trên địa bàn huyện Tiên Lãng. Khu vực này cũng được nhắc đến là “điểm đen" về rác thải sinh hoạt hiện nay, các điểm thu gom rác tại đây quá nhỏ và không đủ sức chứa nên dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Lượng rác thải sinh hoạt xả ra thì lớn, hàng ngày hơn 240 m3 rác thải được tập kết, số rác này chủ yếu được chôn lấp, một số hộ gia đình thiếu ý thức còn tiện tay vứt xuống các mương, kênh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng chú ý nhất là ở các xã như Kiến Thiết, Trấn Hưng, Hùng Thắng, Tiên Minh, Vinh Quang và thị trấn Tiên Lãng.
Tại một số huyện ngoại thành khác như An Dương, An Lão, Kiến Thụy... mỗi ngày có hàng trăm tấn rác được xả ra khiến cho các bãi rác trở nên quá tải. Cùng với đó lượng rác thải chưa qua xử lý, được đắp đống lên hàng ngày chờ mang đi chôn lấp. Đây là mầm mống cho các loài côn trùng truyền nhiễm và bệnh dịch hoành hành, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Xử lý rác thải vẫn chỉ là tạm thời
Trước thực trạng rác thải sinh hoạt đang ngày càng gia tăng tại khu vực ngoại thành của TP, chính quyền các cấp đã quan tâm phối hợp để giải quyết, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt. UBND các huyện đã có những giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong vệ sinh môi trường, huy động tối đa nguồn nhân lực và vật chất trong nhân dân, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn mình chung tay bảo vệ môi trường.
Ông Bùi Văn Dương - Phó chủ tịch UBND xã Thiên Hương - Thủy Nguyên cho biết: Hiện nay chúng tôi đang thực hiện việc chôn rác thải tại các thôn trong xã, tuy nhiên quỹ đất có hạn nên vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi đang thí điểm ở hai thôn 7 và 8 mô hình tổ quản lý và thu gom rác thải do UBND xã quản lý để huy động đóng góp từ các hộ gia đình, các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp cùng giải quyết vấn đề này. Nếu thành công chúng tôi sẽ nhân rộng toàn xã.
Cùng khó khăn, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy... cũng có những biện pháp cụ thể để xử lý rác thải sinh hoạt như huy động nhân dân đóng góp để thuê người thu gom, chuyên chở về bãi rác tạm thời, đốt rác bằng phương pháp thủ công, chôn lấp rác thải... Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này chỉ là những biện pháp tạm thời và hiệu quả chưa cao.
Để xóa bỏ các bãi rác tự phát nơi công cộng ở khu vực nông thôn, Hải Phòng đã và đang triển khai đề án thu gom, xử lý chất thải rắn với hai giai đoạn: đến năm 2015 sẽ có hơn 60% lượng rác thải nông thôn được xử lý đạt chuẩn, đến năm 2020, con số này đạt mức 90%.
Đến nay, UBND TP cũng đã triển khai các dự án đầu tư xử lý nguồn rác thải trên 600 tỷ đồng để xây dựng các khu xử lý rác theo công nghệ phù hợp. Tại hai khu liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung tại hai huyện Thủy Nguyên và Kiến Thụy đang được triển khai, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2015, tuy nhiên, khả năng hoàn thành của đề án thì vẫn còn là một ẩn số.
Tiến Dũng