Mỗi năm, trên địa bàn Hải Phòng phát sinh hàng nghìn công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Những tòa nhà mới mọc lên cũng là khi thành phố phải hứng chịu lượng rác thải xây dựng khổng lồ “phân bổ” khắp mọi ngõ ngách đô thị.
Những bãi rác thải xây dựng tại hồ Phương Lưu, chân cầu An Dương |
Rác thải xây dựng được đổ khắp nơi
Hồ Phương Lưu nằm trên địa bàn quận Ngô Quyền là một hồ điều hòa lớn, được đánh giá là hồ đẹp nhất, rộng nhất TP.Hải Phòng. Thế nhưng, mảng không gian quý giá này luôn trong tình trạng lấm lem vì cơ man trời đất rác thải xây dựng.
Ông Hoàng Long, một người dân nhà ngay khu vực hồ Phương Lưu than thở, ngày nắng, những cơn gió đưa bụi từ các “bãi rác” lộ thiên bay khắp khu vực hồ, bụi bay cả vào nhà dân. Ngày mưa, cát đá tràn xuống lòng đường, cản trở hoạt động đi lại của người dân. Nhân dân quanh hồ ai cũng bức xúc, nhiều lần tổ chức vây bắt những người thiếu ý thức, đổ trộm ra thác thải xây dựng ra khu vực hồ Phương Lưu nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Công trình thi công cống thoát nước trên đường Lán Bè, quận Lê Chân cũng là địa chỉ lý tưởng cho những người đổ trộm rác thải xây dựng. Anh Nguyễn Văn Thương, bảo vệ công trình cho biết, cả ngày lẫn đêm, đội ngũ bảo vệ phải căng mắt canh chừng cả tuyến đường dài hàng kilômét để “đuổi” những người đổ trộm rác thải. Nhiều khi vừa quay vào lán trại ăn cơm, cả đống rác thải xây dựng hàng chục tấn đã được một chiếc xe tải chạy qua hiên ngang trút xuống vệ đường…
Các khu đất trống trên địa bàn xã An Đồng (huyện An Dương), xã tiếp giáp các quận nội thành Hải Phòng cũng bị chọn là điểm tập kết rát thải xây dựng. Bà Nguyễn Thị Trà nhà ở Đường Máng xã An Đồng chỉ tay về phía “bãi rác” lộ thiên rộng hàng trăm m2, tức giận: "Đây là lô đất của gia đình tôi. Chưa kịp xây nhà, để ngăn chặn những người đổ trộm phế thải, gia đình đã xây tường bao bảo vệ, nhưng họ tông cả ô tô vào tường bao để đổ”.
Đứng bên “núi” cát đá phế thải ngay chân cầu An Dương, một trong 5 cửa ngõ vào nội thành Hải Phòng, ông Vũ Ngọc Mạnh - Phó Chủ tịch UBND phường Lam Sơn (quận Lê Chân) cho biết, nhiều lần huy động đoàn thanh niên, tổ tự quản ra dọn dẹp nhưng không xuể. Mà dầu có dọn sạch được, chẳng hạn trong mấy ngày nghĩ lễ, thì ngay sau đấy tình hình lại đâu vào đấy, cả khu vực lại trở thành bãi rác thải xây dựng lộ thiên.
Thiếu một chế tài đủ mạnh
Ông Vũ Ngọc Thạch - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã có quy hoạch xây dựng 196.505m2 bãi xử lý rác thải xây dựng tại Bãi rác Đình Vũ (quận Hải An). Mức phí xử lý rác thải xây dựng đã được HĐND TP xây dựng, chỉ 10.000 đ/m3. Tuy nhiên, có rất ít chủ đầu tư các công trình xây dựng ký hợp đồng thu gom, xử lý rác thải xây dựng với công ty.
Ông Đặng Thế Dũng, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm về lĩnh vực xây dựng cơ bản và môi trường đô thị - Phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an Hải Phòng bày tỏ: "Việc đấu tranh với các đối tượng có hành vi đổ trộm rác thải xây dựng rất khó khăn, các đối tượng thường sử dụng các xe tải loại nhỏ tải trọng từ 1-3 tấn để vận chuyển, đổ trộm ra môi trường. Người dân ít hợp tác với cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng đổ trộm chất thải. Đến nay, đội mới bắt quả tang được 12 trường hợp đổ trộm rác thải xây dựng. Tuy nhiên, mức phạt tối đa mới chỉ đến 8 triệu đồng đối với trường hợp chôn lấp, thải chất thải rắn đến dưới 5m3. Do mức phạp thấp, chưa đủ sức răn đe”.
Ông Trần Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng đưa ra giải pháp, trong thời gian tới, việc thu gom xử lý rác thải xây dựng sẽ là điều kiện bắt buộc khi cấp phép sửa chữa, xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn quận Hồng Bàng. Ông Tuấn nhấn mạnh, chỉ làm tận gốc việc xử lý rác thải xây dựng từ chủ đầu tư công trình mới từng bước ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân tùy tiện đổ xả rác thải xây dựng ra môi trường.
Đông Bắc