Rằm tháng 7 mùa dịch người dân Hà Nội mua gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hôm nay, 21/8, là ngày 14 tháng Bảy âm lịch, nhiều gia đình đã cúng Rằm tháng Bảy (lễ Vu Lan). Do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, nên việc đi chợ hạn chế và lễ cúng cũng đơn giản hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước...
Người bán và người mua đều giãn cách, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Ngọc Nga
Người bán và người mua đều giãn cách, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Ngọc Nga

Rằm tháng Bảy hay còn gọi là Tết Trung nguyên, lễ Vu Lan báo hiếu. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để đảm bảo những yêu cầu trong phòng chống dịch, tránh tụ tập đông người, tránh đi lại khi không cần thiết, nhiều gia đình ở Hà Nội tận dụng những nguyên liệu đơn giản trong nhà để làm mâm cúng thể hiện lòng thành và tưởng nhớ cội nguồn.

Trước cửa mỗi cửa hàng tại chợ Ngọc Hà đều sử dụng tấm chắn để đảm bảo khoảng cách giữa người mua và người bán. Ảnh: Mỵ Châu

Trước cửa mỗi cửa hàng tại chợ Ngọc Hà đều sử dụng tấm chắn để đảm bảo khoảng cách giữa người mua và người bán. Ảnh: Mỵ Châu

Ghi nhận tại nhiều khu chợ như Ngọc Hà, Dịch Vọng..., người dân đi chợ nhưng chỉ mua chủ yếu là trái cây và hoa, trầu cau, trà thuốc, một ít tiền vàng.

Chị Nghiêm Thuý Hường ở quận Ba Đình chia sẻ, năm nay do dịch bệnh nên gia đình chị chỉ gửi chút lễ lên chùa, còn tại gia thì bày hoa quả và con gà, đĩa xôi thắp hương.

"Cũng biết Rằm Tháng 7 là một ngày vô cùng cùng đặc biệt theo quan niệm truyền thống, là ngày Vu Lan, báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tôi cũng bày tỏ tấm lòng thành kính tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu nhưng mọi thủ tục năm nay đều đơn giản và gọn nhẹ, không bày vẽ như mọi năm...

Tôi nghĩ mỗi gia đình cũng sẽ chọn cách lễ làm sao cho hợp với hoàn cảnh chung và điều kiện của mình. Quan trọng nhất là mình thành tâm và báo hiếu, nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ cho chu đáo khi các bậc sinh thành còn bên mình", chị Hường nói.

Nhiều người đi chợ sớm hẳn hoặc muộn hơn ngày thường để tránh cảnh đông người. Ảnh: Mỵ Châu

Nhiều người đi chợ sớm hẳn hoặc muộn hơn ngày thường để tránh cảnh đông người. Ảnh: Mỵ Châu

Đi chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) từ sáng sớm, bác Phạm Thị Bích năm nay 70 tuổi cho biết, để mua được đồ tươi và tránh đông người, đảm bảo giãn cách phòng dịch bệnh.

"Hôm nay cũng gần ngày Rằm nên giá cả cũng nhỉnh hơn ngày thường. Thủ tục lễ bái tôi rút gọn hơn so với các năm, mua đủ 5 loại quả và hoa, trầu cau, tiền vàng và trà thuốc, bên cạnh đó tôi mua thêm chút thực phẩm để làm cơm chay để cúng. Tôi không đốt vàng mã hay mua quần áo chúng sinh, phần vì tiết kiệm, phần vì thấy không cần thiết. “Thờ thì dễ lễ mới khó” theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người", bà Bích chia sẻ

Người dân mua hoa quả chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Rằm tháng 7. Ảnh: Ngọc Nga

Người dân mua hoa quả chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Rằm tháng 7. Ảnh: Ngọc Nga

Tại chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) từ đầu giờ sáng cũng đã khá đông người dân đi chợ mua thực phẩm để phục vụ cúng ngày Rằm.

Chị Tạ Thị Thương Huyền ở phường Dịch Vọng cho biết: "Giá cả có tăng so với mọi người, vì gần ngày Rằm nhu cầu mua thực phẩm của mọi nhà tăng lên. Tuy nhiên, mức tăng nhẹ, mọi người đều có thể chấp nhận được".

Trong chợ Dịch Vọng, nhiều tiểu thương kéo màng chắn để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Ngọc Nga

Trong chợ Dịch Vọng, nhiều tiểu thương kéo màng chắn để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Ngọc Nga

Chị Huyền kể, chị làm mâm cúng là con gà, đĩa xôi, một ít hoa quả, vàng mã và một mâm cúng nhỏ để cúng chúng sinh. Tất cả đều được chuẩn bị rất nhanh chóng, gọn nhẹ.

Khác với chị Huyền, chị Lê Thị Hồng, cùng phường Dịch Vọng, đi chợ mua thực phẩm cúng Rằm muộn hơn, vì chị lo ngại đi sớm sẽ gặp quá đông người. "Tôi nghĩ sáng nay người đi chợ sớm sẽ đông nên tôi đã chọn đi muộn hơn, tuy nhiên, do cận ngày Rằm nên chợ vẫn rất nhiều người. Lễ cúng năm nay nhà tôi mọi thứ rất đơn giản, một mâm đồ mặn, ít vàng mã để cúng gia tiên, một mâm đồ bánh kẹo nho nhỏ để cúng chúng sinh".

Nhiều người chọn đi chợ muộn hơn để tránh tập trung đông người. Ảnh: Ngọc Nga

Nhiều người chọn đi chợ muộn hơn để tránh tập trung đông người. Ảnh: Ngọc Nga

Chia sẻ thêm về việc đi chợ trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách, chị Hồng nói: "Vì chợ Dịch Vọng chia làm 2 khu, một khu chợ phía bên ngoài mọi người mua thoải mái, còn khu chợ phía trong khi vào chợ phải khai báo y tế. Sáng nay, thay vì mua đồ ở phía ngoài cổng chợ, tôi đã khai báo y tế và đi vào trong chợ để mua. Như thế vừa đảm bảo an toàn và đỡ đông người".

Là người bán hàng tại chợ Dịch Vọng, chị Lan chia sẻ: "Dịch bệnh nên thường ngày mọi người ít đi chợ hơn, bán hàng cũng phải đảm bảo giãn cách, thực hiện đúng 5K được khuyến cáo. Sáng nay chợ có đông hơn ngày bình thường vì gần ngày Rằm tháng 7, người dân sắm đồ cúng lễ nên tôi bán được khá nhiều các loại hoa quả. Giá chung các sản phẩm có tăng hơn đôi chút, nhưng không tăng nhiều như cùng thời điểm các năm trước".

Trước cửa tất cả các hàng, quán đều chăng dây, đảm bảo giữ khoảng cách. Ảnh: Ngọc Nga

Trước cửa tất cả các hàng, quán đều chăng dây, đảm bảo giữ khoảng cách. Ảnh: Ngọc Nga

Nhìn chung, các mặt hàng phục vụ ngày lễ Vu Lan vẫn đa dạng phong phú, giá cả phải chăng, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, không có tình trạng găm hàng thổi giá.

Đọc thêm