Năm 2012 là năm thứ 2 thi hành Luật tố tụng hành chính (TTHC), lượng án hành chính qua thống kê của ngành Tòa án tăng đến hơn 100%. Nhiều chuyên gia lý giải, án hành chính gia tăng là vì những cơ chế mới trong Luật TTHC, đặc biệt cơ chế khởi kiện. Tuy nhiên, trên thực tế, án hành chính còn có thể tăng hơn nữa nếu các quy định của pháp luật không mâu thuẫn, chồng chéo, đặc biệt các quy định về đất đai.
|
Kiện nhiều vì… sai nhiều?
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Trong lĩnh vực tư pháp, số lượng các vụ án hành chính liên quan đến việc khởi kiện của công dân đối với các quyết định hành chính về quản lý đất đai có xu hướng gia tăng.
Từ năm 2004 đến năm 2011, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm 3.994 vụ, giải quyết 2.857 vụ chiếm 71,5%, trong đó: đình chỉ việc giải quyết vụ án: 1.130 vụ chiếm 39,6% các vụ giải quyết; đưa ra xét xử 1.727 vụ chiếm 60,4% các vụ giải quyết, với kết quả xét xử: không chấp nhận yêu cầu khởi kiện 1.389 vụ chiếm 80,5% các vụ đưa ra xét xử, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện: 149 vụ chiếm 8,6% các vụ các vụ đưa ra xét xử, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện: 189 vụ chiếm 10,9% các vụ đưa ra xét xử.
Cũng qua thống kê, tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại Tòa án nhân dân các cấp khoảng 19,5% các vụ được đưa ra xét xử. Như vậy, có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều sai sót.
Năm 2012, báo cáo tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII về công tác của ngành, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng cho biết lượng án hành chính năm qua tăng đến 106%.
Trong số các vụ kiện hành chính, chiếm một lượng không nhỏ là kiện các quyết định hành chính của chính quyền liên quan đến đất đai. Đây là lĩnh vực được coi là nóng bỏng nhất, nhiều khiếu kiện nhất. Và thực tế không chỉ công tác xử án hành chính mà qua giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này cũng chứng minh, chính quyền cơ sở có nhiều lỗi trong việc ban hành quyết định hành chính, nhưng lỗi đó không được khắc phục kịp thời, vì thế cùng bất đắc dĩ người dân phải kiện ra tòa hành chính. Tuy nhiên, số vụ khởi kiện ra Tòa so với lượng đơn thư khiếu nại vẫn là khoảng cách khá xa.
Vẫn "mắc" cơ chế pháp lý
Mặc dù Luật TTHC mới đã khắc phục nhiều bất cập trong cơ chế khởi kiện, tuy nhiên theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hà, Chánh án TAND tỉnh Nghệ An thì “ Luật TTHC mới có nhiều điểm vênh so với Luật Đất đai hiện hành“.
Một trong những điểm vênh đó theo nhiều chuyên gia là việc trong khi cơ quan hành pháp cho rằng công dân có quyền khởi kiện đối với quyết định hành chính giải quyết khiếu nại lần hai, thì cơ quan tư pháp lại không công nhận và không thụ lý đơn khởi kiện. Việc này gây khó khăn cho nhân dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại quyết định hành chính lần hai.
Mặt khác, quan hệ tranh tụng hành chính có đặc thù là tranh tụng giữa người dân với chính quyền nên cơ quan Tòa án (nhất là tòa án cấp huyện) thường ngại thụ lý, giải quyết và khi thụ lý, giải quyết thì thường bị tác động của các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính đang bị khởi kiện.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai vừa quy định về nội dung quản lý đất đai, vừa quy định về khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính dẫn đến chồng chéo với quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính về trình tự, thủ tục khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính.
Cụ thể, Điều 138 Luật đất đai quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, thời hiệu khiếu nại, thời hiệu khởi kiện và quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai nhưng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai lại quy định chỉ có 4 nhóm quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại thì giải quyết theo quy định tại Điều 138 Luật đất đai, còn các khiếu nại khác về quản lý đất đai thì giải quyết theo Luật khiếu nại, tố cáo. Nay Luật Khiếu nại và Luật tố cáo đã có hiệu lực nhưng quy định của pháp luật đất đai thì “vẫn còn nguyên”.
Giải quyết thấu đáo các vấn đề nêu trên, cùng với việc Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai, những khó khăn trong việc thi hành Luật TTHC sẽ được gỡ bỏ.
Thủy Trâm