Ráo riết chuẩn bị lễ hội 2013

Năm 2013, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chọn lễ hội Chùa Hương là Lễ hội trọng điểm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Sông Hồng 2013. Đến thời điểm hiện tại, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thiện công tác chuẩn bị cho một mùa lễ hội lớn nhất từ trước đến nay. Với chủ đề “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”, lễ hội chùa Hương 2013 sẽ có nhiều hoạt động phong phú...

Năm 2013, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chọn lễ hội Chùa Hương là Lễ hội trọng điểm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Sông Hồng 2013.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thiện công tác chuẩn bị cho một mùa lễ hội lớn nhất từ trước đến nay. Với chủ đề “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”, lễ hội chùa Hương 2013 sẽ có nhiều hoạt động phong phú. Nhằm tôn vinh và giới thiệu với khách thập phương về giá trị truyền thống của lễ hội lâu đời này cũng như văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.

Nghiêm cấm kinh doanh trong nội tự

Điểm khác biệt của năm nay đó ngày khai hội vào 6 tháng Giêng tại sân Thiên Trù sẽ có lễ phóng sinh trên suối Yến, có triển lãm ảnh "Những ngôi chùa Việt cổ" cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Hiện nay, ở trong quần thể di tích chùa Hương đã xây dựng 13 nhà vệ sinh đạt chuẩn, lắp ghép 3 nhà vệ sinh trong động Hương Tích. Bố trí thùng rác và lực lượng thu gom rác ở nhiều địa điểm.

Đặc biệt công khai giá vé thắng cảnh, xuống đò ở các cổng vào chùa Hương và bến đò. Và giá vé năm nay vẫn được giữ nguyên như: Phí thắng cảnh (có bảo hiểm): 50.000 đồng/người/lượt (Người cao tuổi và trẻ em 25.000 đồng/ người/lượt); Phí xuồng, đò thường: 35.000 đồng/ người/lượt (vào+ra) với tuyến Hương Tích; Phí 25.000 đồng/người/lượt (vào + ra) với tuyến Long Vân - Tuyết Sơn; Phí xuồng đò chất lượng cao mỗi tuyến tăng thêm 5.000 đồng/người/lượt.

Mùa lễ hội này, UBND huyện Mỹ Đức cũng đã nghiêm cấm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn. Đồng thời, nghiêm cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội. Các đò đều được trang bị phao cứu sinh, áo phao dành cho khách thập phương. Các lực lược kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện sự cố nếu có.

Trước việc hàng ngàn khách thập phương cùng tập trung ở chùa Tam Bảo- Thiên Trù nên nếu để 1-3 hòm công đức như quy định sẽ gây nên sự quá tải. Vì vậy, ban tổ chức có kiến nghị xin để 5 hòm công đức, ngoài ra, các nơi thừa tự khác, ban tổ chức đã tự “tiết chế” chỉ để 1-2 hòm.

Đền Trần: Mỗi người chỉ …2 ấn

Một lễ hội lớn ở miền Bắc cũng được rất nhiều du khách quan tâm về vấn đề tổ chức đó là Lễ hội Đền Trần. Rút kinh nghiệm các lần tổ chức trước, năm nay chính quyền thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức lễ khai ấn với một số thay đổi lớn nhằm hạn chế lượng người tập trung quá đông vào thời điểm diễn ra buổi lễ, giảm thiểu ùn tắc, chen lấn làm mất mỹ quan tại khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo đó, ngày 14 tháng Giêng, thực hiện lễ Rước theo đúng nghi lễ truyền thống; tổ chức lễ dânh hương tưởng niệm của đoàn đại biểu các ban, ngành của tỉnh, thành phố vào buổi sáng; tổ chức các hoạt động tế tự tại một số điểm di tích cúng thờ tự các vua Trần và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên địa bàn thành phố Nam Định, tổ chức đón tiếp người dân đi lễ; tổ chức lễ Rước Ấn do người dân phường Lộc Vượng thực hiện vào lúc 22 giờ; tổ chức lễ Khai Ấn, theo đúng nghi thức truyền thống vào lúc 23 giờ, phát 9 Ấn cho 7 di tích liên quan theo truyền thống; làm lễ cúng cho các Ấn trước khi phát cho người dân; tổ chức các chương trình nghệ thuật tại một số địa điểm khác trong thành phố Nam Định để thu hút người dân không đổ dồn về khu vực đền Trần.

Ngày 15 tháng Giêng; Tổ chức phát Ấn cho người tham dự lễ hội theo nguyên tắc phân luồng theo hai cửa vào- ra và hệ thống hàng rào theo cách “dích dắc”. Thời gian phát Ấn bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng, kéo dài cho đến 18 giờ ngày 16 tháng giêng; không phát nhiều, mỗi cá nhân chỉ được một số lượng tối đa là 2 chiếc; không tổ chức phát Ấn và công đức tại cùng một địa điểm.

Tại lễ hội cũng có lễ tế cá theo đúng nghi thức truyền thống; lễ tạ của các bậc cao niên trong làng và tế nam quan vào lúc 9 giờ, tổ chức một số chương trình nghệ thuật ác trò chơi dân gian như múa lân, múa rồng, sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ, võ, vật bên ngoài cổng Ngũ Môn Đền Trần để phục vụ người dân và khách thập phương.

Ông Huỳnh Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL trong hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 được tổ chức vào sáng ngày 18/1/2013, tại Hà Nội đã nhấn mạnh: “Năm 2013 các địa phương trong cả nước tổ chức lễ hội phải quán triệt sâu sắc chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân”.

Ráo riết chuẩn bị Lễ hội 2013

Các lễ hội Tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013 đang gần kề, nhiều địa phương trong cả nước đang ráo riết lên phương án tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối, không gây ảnh hưởng làm sai lệch giá trị của di tích, danh thắng. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm túc những sai phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội.

Ngoài các lễ hội Chùa Hương, Đền Trần nói trên, các ban quan lý lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Phủ Dầy, Đền Trần (Nam Định), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang)… đang có  phương án tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối, không gây ảnh hưởng làm sai lệch giá trị của di tích, danh thắng.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm túc những sai phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực như: xóc thẻ, rút thẻ, bói toán, cúng thuê, cờ bạc trá hình, đốt đồ mã, đặt quá nhiều hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá dịch vụ, ép khách, chèo kéo khách, thương mại hóa lễ hội, kéo dài thời gian và tổ chức lễ hội không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Thùy Dương

Đọc thêm