Rạp chiếu phim 'lưu động' trên những bản làng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những bộ phim đã tạo nên ký ức tuổi thơ ngọt ngào, nuôi dưỡng sức sáng tạo cho rất nhiều trẻ em. Nhưng tại những điểm trường vùng cao, việc các em nhỏ tiếp cận với phim ảnh là điều rất khó. Hồ Hoàng Liêm, chàng trai 8x đã có hành trình gần 14 năm “cõng” điện mặt trời, phim ảnh đến vùng sâu, vùng xa phục vụ các em học sinh. Những rạp chiếu bóng “cây nhà lá vườn” mang đến trải nghiệm thú vị, bổ ích cho nhiều em nhỏ vùng cao.
Những rạp chiếu phim lưu động tưởng chừng như đơn giản, nhưng để xây dựng nên cũng vô cùng vất vả. (Nguồn: CLB Từ thiện Nụ cười Hồng)
Những rạp chiếu phim lưu động tưởng chừng như đơn giản, nhưng để xây dựng nên cũng vô cùng vất vả. (Nguồn: CLB Từ thiện Nụ cười Hồng)

Gian nan hành trình đưa phim tới

Cheo leo trên núi rừng, tại những vùng đất thơ mộng, hùng vĩ, có một rạp chiếu phim với chiếc máy chiếu đơn giản, màn hình chiếu và những hàng ghế nhựa xếp ngay ngắn. Đó chính là “rạp chiếu phim” của những trẻ em vùng cao được anh Hồ Hoàng Liêm cùng các cộng sự xây dựng nên.

Gần mười bốn năm qua, chàng trai mang tên Hồ Hoàng Liêm (33 tuổi, sinh sống tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng các thành viên trong câu lạc bộ của mình đã miệt mài “đưa điện”, rạp chiếu phim lên núi, đem thứ “phép màu” hiện đại đến với những bản làng khó khăn. Bắt đầu từ năm 2009, với vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ Nụ cười hồng Đà Nẵng, anh Hồ Hoàng Liêm cùng các thành viên đã đến nhiều tỉnh như Quảng Nam, Quảng Trị, Gia Lai và Kon Tum,… để làm thiện nguyện, hỗ trợ các em nhỏ vùng sâu, vùng xa cùng những điểm trường còn gặp khó khăn.

Anh Hoàng Liêm từng chia sẻ, anh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh không mấy khá giả ở Đà Nẵng. Từ nhỏ bao bọc xung quanh anh là những ngôi nhà với nền đất, các món đồ chơi tự chế từ vỏ bao cũ người khác bỏ đi. Chính vì vậy, anh cảm nhận được sự đồng điệu với các em nhỏ vùng cao.

Những nơi anh Liêm và câu lạc bộ Nụ cười hồng Đà Nẵng đặt chân tới là các bản làng nghèo, thậm chí đến điện, nước còn chưa có. Ban đầu, cũng như bao đội thiện nguyện khác, câu lạc bộ của anh Liêm mang đến các món quà, lương thực, trang thiết bị học tập. Nhưng nhìn thấy bà con, trẻ em ở bản làng thiếu thốn các điều kiện vật chất cơ bản như điện, nước sạch, khiến anh Liêm khao khát được đưa ánh sáng đến từng mái nhà.

Đến năm 2019, anh cùng thành viên trong câu lạc bộ đem các tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi chiếc nặng khoảng 100kg lên thôn 5, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Vượt qua 4 ngọn núi, đường toàn đồi dốc phải leo trèo, chuyến đi kéo dài tới 19 tiếng. Chuyến đi đó, anh Liêm và những người bạn còn mang theo 1 chiếc tivi cỡ lớn và chảo thu sóng truyền hình để mở phim ảnh cho bà con xem. Khi ánh đèn sáng lên, “rạp chiếu cây nhà, lá vườn” đã thu hút cả trăm người tới xem, nhiều người già, trẻ nhỏ lần đầu được xem sóng truyền hình, xem các bộ phim,…

Vào năm 2020, anh Liêm bắt đầu có ý tưởng tạo ra rạp chiếu phim lưu động cho những trẻ em tại các trường học ở vùng sâu, vùng xa. Được biết, ý tưởng này xuất hiện rất tình cờ, khi một em nhỏ hỏi Hoàng Liêm về những tòa nhà, bãi biển, chiếc ô tô đang chạy trong màn hình điện thoại di động của anh. Nhớ đến ký ức ngày còn bé, khi anh Liêm luôn háo hức, hạnh phúc cùng bạn bè xem những bộ phim hoạt hình, truyền hình chiếu trên TV, anh quyết tâm đem những “rạp chiếu phim” đến cho các em nhỏ.

Rạp chiếu phim lưu động ở các vùng cao giúp học sinh có những bài học chân thực, sinh động và bổ ích.

Rạp chiếu phim lưu động ở các vùng cao giúp học sinh có những bài học chân thực, sinh động và bổ ích.

Rạp chiếu phim của anh Liêm và các cộng sự lập ra từ chiếc máy chiếu, màn chiếu rộng gần 200 inch, cùng bộ loa đài. Không chỉ để xem phim, những trang thiết bị này sẽ được các thầy cô giáo dùng làm dụng cụ hỗ trợ giảng dạy cho các em nhỏ. Mặc dù chỉ có vài món đồ để dựng nên một rạp chiếu phim, nhưng anh Liêm và các thành viên trong câu lạc bộ phải rất vất vả để vận chuyển từ Đà Nẵng đến những bản làng ở xa. Có những điểm cách vài chục km, nhưng có những điểm ở tận Hà Giang, phải đi vài ngày mới đến nơi.

Mỗi chuyến đi, lại có những “thử thách” khác nhau như lúc gặp phải đường rừng đồi dốc, cả nhóm phải leo, bò gần như cả quãng đường. Hay những ngày cuối năm, cung đường rừng đỏ ngầu bùn đất, trơn trượt vì mưa lớn,… Không ít lần anh Liêm rơi vào tình huống nguy hiểm như suýt bị đuối nước trong đợt lũ lịch sử ở miền Trung năm 2020 hay may mắn thoát khỏi trận lở đất ở Nam Trà My năm 2019.

Những buổi chiếu phim đáng nhớ

Tính đến nay, anh Hoàng Liêm và các cộng sự đã đem bốn rạp chiếu phim lưu động đến các bản làng vùng cao như xã Canh Liên (Quy Nhơn, Bình Định), Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang) hay Trà Tập (Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Mỗi rạp chiếu phim sẽ được câu lạc bộ lên kế hoạch và chuẩn bị trong nhiều tháng trời.

“Trước kia các em cứ nghĩ, cuộc sống trên núi đã là cả thế giới, nhưng từ những gì được xem, các em mới biết thế giới ngoài kia rộng lớn thế nào, mới hiểu đi học để làm gì, tầm quan trọng của việc học... và có ước mơ bay cao, bay xa. Đó là lý do tôi muốn tiếp tục làm những trạm điện năng lượng mặt trời có thêm những rạp chiếu phim trên núi. Như một quy ước, cứ học đủ 4-5 buổi thì các em sẽ được xem phim rạp vào cuối tuần, vậy là các em tự giác đi học”, anh Liêm chia sẻ.

Như đến Lủng Chư (Hà Giang) là một nơi có địa hình cheo leo, khó khăn, cả đội anh Liêm đã phải bỏ xe lại, để đi bộ vận chuyển những đồ dùng cần thiết đến điểm trường vùng cao. Anh Liêm chia sẻ, đối với các em học sinh vùng cao, cả cuộc đời chỉ biết đến con gà, con bò, hay rừng cây đại ngàn hùng vĩ. Các em tưởng đó là cả thế giới, nhưng khi tiếp cận với điện ảnh, các em lại có thêm kiến thức mới, tầm nhìn khác về thế giới này.

Anh Liêm chia sẻ, niềm hạnh phúc của anh đó là được nhìn thấy đôi mắt của những em nhỏ vùng cao sáng rực lên trong niềm hân hoan, hạnh phúc khi được xem các bộ phim hay, ý nghĩa. Đó là động lực to lớn để anh và “đồng đội” của mình quên đi hết những khó khăn, mệt mỏi khi phải băng rừng, trèo núi để đem các “rạp chiếu phim lưu động”, điện mặt trời đến cho các bản làng nghèo.

Cô giáo Trà Thị Thu, giáo viên tại điểm trường Tắk Pổ (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã từng chia sẻ, từ trước đến nay các em đều phải tự mường tượng về thế giới qua lời kể của thầy cô, còn nay được tận mắt nhìn thấy bằng những hình ảnh chân thực, sống động. Đây cũng là động lực giúp các em chăm chỉ đi học hơn.

Đến rạp chiếu phim vào cuối tuần là động lực để các em nhỏ vùng cao đi học đều 5 ngày trong tuần.
Đến rạp chiếu phim vào cuối tuần là động lực để các em nhỏ vùng cao đi học đều 5 ngày trong tuần.

Rạp chiếu phim sẽ chiếu những bộ phim hoạt hình tuổi thơ như Doremon, Tom và Jerrry hoặc những bộ phim giáo dục Việt Nam; ngoài việc đó ra, Liêm còn nghĩ ra được 1 ý tưởng khác đó là sử dụng luôn rạp chiếu phim đó làm dụng cụ dạy học, hỗ trợ giảng dạy cho các thầy cô giáo. Đây cũng là “cửa sổ” để các con nhìn ra thế giới bên ngoài, để các em biết đó là sự thật, thấy được viễn cảnh đó thì học sinh sẽ siêng học, thích học hơn.

Đặc biệt, vì đường đi khó khăn, bất tiện, rất nhiều em nhỏ vùng cao hay nghỉ học. Việc chiếu phim cũng là một “chất xúc tác” để động viên tinh thần của các em đến trường. Quy định được anh Liêm “thỏa thuận” cùng các thầy cô, đó là nếu muốn được tới rạp phim vào tối thứ 6, bắt buộc các em, phải học đủ 5 buổi thì cô giáo mới cho vào coi rạp phim, đó là sự ràng buộc để các em đi học.

Buổi chiếu phim không chỉ thu hút các em học sinh, mà dân làng ở xung quanh cũng tập trung, tề tựu đông đủ để đón xem các bộ phim. Khung cảnh chạng vạng buổi tối, ở khoảng trời bao la rộng lớn, mọi người nô nức kéo nhau đi xem phim không khác gì thời bao cấp, khi người dân còn xem phim bãi, đến “rạp” chiếu bóng ngoài trời do nhà nước tổ chức mỗi ngày cuối tuần.

Đặc biệt, ở trong những bản làng thiếu vắng đèn điện như xã Trà Cang (huyện Nam Trà My), Lủng Chư (Thượng Phùng, Hà Giang) trẻ em thường không có nhiều chỗ vui chơi. Việc được anh Liêm cùng câu lạc bộ Nụ cười hồng Đà Nẵng đem nguồn năng lượng điện mặt trời, các món đồ chơi, rạp chiếu phim lưu động đã mang lại những “sân chơi” thiết thực, ý nghĩa cho các em nhỏ.

Hiện nay, mỗi buổi chiếu phim trên những bản làng đã trở thành một “giờ học” thú vị, hấp dẫn đối với các em học sinh. Tại đây, các em có thêm những kiến thức về văn hóa, về thế giới bên ngoài vượt xa các rặng núi cheo leo, bản làng heo hút. Ngoài ra, sau mỗi buổi xem phim, các em có thể tăng cường khả năng sáng tạo, quan sát thông qua các thước phim về nấu ăn, làm bánh, nghệ thuật, thủ công cho đến âm nhạc. Đồng thời, đây là cơ hội giúp các em nhỏ vùng cao hiểu về công nghệ, từ đó có những ý tưởng để ứng dụng vào cuộc sống và học tập hiệu quả.

Cùng việc đưa điện mặt trời, rạp chiếu phim lên bản, Câu lạc bộ Nụ cười hồng Đà Nẵng và anh Liêm còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện để hỗ trợ các em nhỏ vùng cao như chương trình áo ấm mùa đông, mỗi đợt gần 10.000 áo cho trẻ vùng núi; giúp bà con vùng bão lũ; tổ chức phiên chợ 0 đồng; giúp người dân phát triển kinh tế như hỗ trợ con giống, cây trồng; phẫu thuật cho các em nhỏ bị sứt môi, hở hàm ếch…