Tuần qua, dư luận chú ý đến phiên xử Trần Minh Lợi, từng được cho là “người hùng” chống tham nhũng ở Tây Nguyên. Ở đây, rõ ràng là có chuyện “gài bẫy” để người ta phạm tội, dù rằng người bị gài đó đã rắp tâm phạm tội từ trước thì biện pháp này cũng không được, kể cả các cơ quan chống tội phạm cũng không được làm điều này.
Mức án 4 năm 6 tháng tù giam với ông này là không nặng, tuy nhiên là bài học đáng giá cho những người thực lòng muốn chống lại “giặc nội xâm” tham nhũng. Đó là làm đủ cách chờ cho đến khi tội phạm đã hoàn thành rồi mới tố cáo là không được!
Một diễn biến khác có thể làm thỏa lòng dư luận khi ông già là nghi can trong một vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu đã bị khởi tố. Vụ này tưởng như đã “chìm xuồng” trong nỗi vô vọng của bà mẹ có con bị xâm hại.
Đành rằng, với tội danh này, việc lấy chứng cứ là rất khó khăn, điều tra phải cẩn trọng hết mức nếu không sẽ là “vu oan, giá họa” cho người khác. Thực tế, đã xảy ra các trường hợp chỉ dựa vào lời tố cáo mà vội vã bắt người, tử tù Hàn Đức Long là một ví dụ. Tuy nhiên, ở vụ này, chứng cứ đã khá rõ ràng, việc khởi tố không kịp thời dẫn đến phản ứng không tốt của dư luận xã hội.
Cái vụ Quản tài viên xử lý việc phá sản, còng tay bà Hiệu trưởng trước mặt học sinh đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi pháp lý chung quanh vấn đề này. Lạm quyền đã thấy rõ, có cần đến việc mạnh tay thế không khi “việc dân sự cốt ở đôi bên”?
Còn nữa, diễn biến mà không ai ngờ tới là sự việc xảy ra ở Lâm Đồng. Ông Viện trưởng VKS huyện gọi bị can tới để “giáo huấn” chuyện không nên thuê luật sư bào chữa. Lời của ông này trong đoạn băng có nội dung là có luật sư thì tội chung thân sẽ lên mức tử hình. Trong dân gian lưu truyền câu nói đùa thâm thúy: “Sự có mặt của luật sư là tình tiết tăng nặng của bị cáo!”. Sự thật đúng là như thế ư khi một vị đứng đầu công tố của một huyện đã nói ra?!
Một sự kiện pháp lý khác có cái kết nhân văn là chuyện ông lão chở tôn làm đứa bé vô ý quệt phải dẫn đến cái chết. Tòa xử ông tội vi phạm các quy định về giao thông và phạt cải tạo không giam giữ 6 tháng. Có tội thì phải chịu tội, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh thế nào, còn tuyên phạt tội đó ra sao tùy thuộc vào những tình tiết giảm nhẹ và cả sự nhân đạo của pháp luật nữa. Tinh thần thượng tôn pháp luật thể hiện ở chỗ đó.
Đời sống pháp luật chuyển động không ngừng và cần đến sự điều chỉnh thích hợp. Chẳng hạn, ông Kiểm sát khuyên bị can như vậy, ông Quản tài viên hành xử như thế, bảo vệ người chống tham nhũng như thế nào..., rất cần đến sự điều chỉnh của pháp luật!