Rau hoa tiền tỷ từ nông nghiệp công nghệ cao

Ông Phạm Văn Án - GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng - cho biết: “Bắt đầu từ 2004, Lâm Đồng là một trong số ít địa phương trong cả nước thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao (NN CNC);  và đến nay, chương trình đã mang lại những kết quả đáng khích lệ”. 

Ông Phạm Văn Án - GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng - cho biết: “Bắt đầu từ 2004, Lâm Đồng là một trong số ít địa phương trong cả nước thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao (NN CNC);  và đến nay, chương trình đã mang lại những kết quả đáng khích lệ”. 
Nông dân Đà Lạt chuẩn bị xuống giống rau cao cấp.
Nông dân Đà Lạt chuẩn bị xuống giống rau cao cấp.
Rau và hoa tiền tỷ Bây giờ, với nhà vườn canh tác rau và hoa ở Lâm Đồng, 1ha đất nông nghiệp mỗi năm cho sinh lợi không chỉ dừng lại ở con số vài chục triệu như mức phấn đấu của cả nước mà phải là hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Theo ông Phạm Văn Án, bắt đầu triển khai chương trình NN CNC từ năm 2004, đến ngày 20.12.2008, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức trao Quyết định công bố thương hiệu “Dalat GAP” cho UBND TP Đà Lạt và Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Lâm Đồng quản lý và phát triển rau Đà Lạt theo đúng tiêu chuẩn sạch. Trước đó, Đà Lạt là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng quy trình sản xuất rau sạch được Hội đồng Khoa học công nghệ cấp nhà nước nghiệm thu và là quy trình sản xuất rau sạch đầu tiên của VN được Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) công nhận. Theo số liệu thống kê của Sở NN PTNT Lâm Đồng, diện tích trồng rau hằng năm của tỉnh này vào khoảng 35.000ha với sản lượng 1,1 triệu tấn rau thành phẩm các loại. Nhờ áp dụng tốt quy trình sản xuất rau sạch nên sản phẩm rau của nhà vườn Lâm Đồng luôn được thị trường chấp nhận với giá cao hơn các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Theo UBND TP Đà Lạt, bình quân 1ha rau của nhà vườn Đà Lạt mỗi năm mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Với cây hoa, thu nhập của nhà vườn Lâm Đồng còn cao hơn nhiều: Trên dưới 1 tỷ đồng. Ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, GĐ Công ty TNHH Langbian Farm - nêu ví dụ: Ở Đà Lạt, mỗi năm trồng được 3 vụ hoa lyly; bình quân 1m2 trồng được 27 gốc. Đến lúc thu hoạch, trừ mọi chi phí, bình quân 1 gốc hoa lyly cho lãi 1.500 đồng (trong thời điểm giáp tết hiện tại, lãi đến 2.500 đồng/gốc). Tính cả năm (3 vụ), cứ 1ha hoa lyly sẽ cho lãi bình quân không dưới 1 tỷ đồng. Tại vùng rừng Đạ Sar (huyện Lạc Dương), ông Chế Quang Đệ là chủ trang trại Lâm Sinh khá nổi tiếng với vườn hoa lan (chủ yếu trồng địa lan) rộng đến 11ha. “Bắt đầu từ năm 2004, sau 8 năm gầy dựng, vườn địa lan của tôi đã cho thu hoạch và bắt đầu có lãi” – ông Đệ cho biết. Nếu tính bình quân thì trong vòng 6 năm qua, mỗi năm ông Đệ thu về 10 tỷ đồng từ vườn địa lan 11ha với hơn 200.000 chậu địa lan này.Nông nghiệp công nghệ cao – hướng đi tất yếu GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng, ông Phạm Văn Án, cho biết thêm: Tính đến thời điểm này, Lâm Đồng có hơn 200.000 ha đất nông nghiệp được đưa vào khai thác. Diện tích này trong năm 2010 đã mang lại giá trị thực tế quy thành tiền đạt đến con số 23.130 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2004. Điều đáng nói nữa, trong diện tích này, đã có 37.000ha đạt giá trị sản xuất hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Các loại cây trồng có ứng dụng kỹ thuật NN CNC mang lại giá trị kinh tế vượt trội ở Lâm Đồng được “điểm mặt” là hoa, rau, chè, cà phê… Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, “Cánh đồng 100 triệu” đang là mức phấn đấu của tỉnh này, và sẽ đạt được trong vòng 5 năm tới – năm 2015. Dự kiến đến năm 2015, Lâm Đồng có khoảng 250.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Để có “Cánh đồng 100 triệu”, Lâm Đồng phấn đấu có khoảng 7% diện tích được canh tác theo NNCNC. Trong 7% diện tích này, có ít nhất là 45.000ha mỗi năm mang lại giá trị từ 200 triệu đồng trở lên. Cũng cần nêu ra đây một vài con số: Từ 2004 - 2010, Lâm Đồng đã đầu tư gần 3.000 tỷ đồng cho chương trình phát triển NNCNC. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm không đến 38 tỷ đồng, phần còn lại chủ yếu là được huy động trong dân và các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Nêu lên một vài con số này để thấy rằng chương trình NNCNC cần một nguồn tiền không hề nhỏ để đầu tư phát triển. Lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho rằng: “Hiện nông dân và các doanh nghiệp ở Lâm Đồng đang rất cần nguồn vốn để thực hiện chương trình NNCNC”. Thực tế những năm qua, nguồn ngân sách nhà nước bỏ ra cho chương trình này không nhiều (như trên vừa nêu); trong khi đó, sự khống chế hạn mức vốn vay của hệ thống ngân hàng đối với các hộ nông dân như hiện nay sẽ là một “rào cản” không nhỏ.
Khắc Dũng

Đọc thêm