(PLO) - Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích, chất bảo quản và không biến đổi gen... rau hữu cơ đang được rất nhiều người tin dùng. Nhưng không ít người nghi ngờ: liệu có bao nhiêu phần trăm là rau hữu cơ thật?
“Cứ đặt hàng, chị sẽ cung cấp đủ”
Nhu cầu rau hữu cơ ngày càng cao. Các cửa hàng kinh doanh loại rau này cũng mọc lên như nấm. Khách hàng chỉ cần gọi điện đặt hàng, ngay lập tức, rau sẽ được chuyển đến tận nhà theo yêu cầu.
Tại các phố Trần Nhân Tông, Lê Trọng Tấn, Hoàng Ngân, Nguyễn Công Trứ... (Hà Nội), khá nhiều cửa hàng bán rau hữu cơ, với đủ loại. Thậm chí, trên các diễn đàn, mạng xã hội cũng tràn ngập các topic quảng cáo bán rau hữu cơ 100%.
Trong vai một người muốn tìm nguồn rau hữu cơ để cung cấp cho các trường mầm non, khách sạn, PV điện thoại đến cửa hàng online chuyên cung cấp rau hữu cơ có tên “Rau Hữu Cơ... ”, ngay lập tức chủ hàng nhanh miệng: “Em lấy loại nào? Nhà chị hiện có hơn 20 chục loại rau. Giá cả cụ thể chị đã niêm yết rõ, nếu em lấy nhiều sẽ được triết khấu từ 15-20%”.
Khi PV hỏi có cửa hàng có giấy chứng nhận là rau hữu cơ không, chị chủ hàng khẳng định: “Rau nhà tự trồng theo mô hình hộ gia đình nên không có chứng nhận gì cả. Nhưng em yên tâm đi, rau chỗ chị là 100% hữu cơ, không trà trộn như những chỗ khác đâu”.
Theo lời chị này, rau hữu cơ được nhà chị trồng theo đúng quy trình, không dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích. Hiện nhà chị có 7 sào rau hữu cơ trồng ở Hoài Đức, với đủ các loại rau ăn lá, ăn quả, rau gia vị. “Cửa hàng của chị thường xuyên cung cấp rau cho một số bếp ăn, siêu thị ở Hà Nội. Họ là khách quen được gần nửa năm nay rồi”, chị quảng cáo.
Khi liên hệ mua rau hữu cơ với lượng lớn ở cửa hàng bán rau hữu cơ online khác, PV cũng nhận được những lời khẳng định tương tự.
Trong khi đó, giá rau hữu cơ bán trên thị trường chỉ tương đương với giá của các loại rau sạch. Cụ thể, dưa chuột, đỗ xanh, cải ngọt, cải xanh, rau dền đều có giá 32.000 đồng/kg, rau ngót 60.000 đồng/kg, rau đay, mùng tơi giá 25.000 đồng/kg, rau muống 30.000 đồng/kg, rau lang lá nhọn 28.000 đồng/kg, rau gia vị các loại giá 50.000 đồng/kg...
Rau hữu cơ có xịn?
Chị Phạm Thị Thùy Chi (Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Vì nhà có con nhỏ nên gần nửa năm nay, gia đình chị chuyển qua đặt mua toàn các loại rau hữu cơ”. Chị Chi cho biết các loại rau hữu cơ giờ rất dễ mua, chỉ cần lên mạng đặt hàng là họ sẽ chuyển rau tới tận nhà, chưa bao giờ thấy họ báo hết.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Ngọc Phương, chủ một cửa hàng bán yến sào kiêm bán rau hữu cơ, nhận xét, loại rau này rất khó trồng, phát triển chậm, cho năng suất không cao, chỉ bằng 1/5 năng suất khi trồng rau sạch. Chị dẫn chứng, trong trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội có vườn rau hữu cơ khoảng 3.000 m2 đều do các kỹ sư trồng. Chị bao tiêu toàn bộ vườn rau đó nhưng số lượng không nhiều. Mỗi tuần, cả vườn rau thu hoạch chỉ được khoảng 40-50 kg.
“Mới đầu họ bảo có thể thu hoạch được khoảng 160 kg rau/tuần, bao gồm cả rau ăn lá và ăn quả. Nhưng đến khi tôi nói sẽ phạt gấp 10 lần nếu phát hiện có trà trộn rau thường vào thì họ rút xuống còn 50-60kg rau/tuần”, chị cho hay.
Theo lời chị Phương, chị bao tiêu toàn bộ rau hữu cơ bên đó là để cho gia đình ăn và bán cho những khách hàng quen của cửa hàng yến sào nên chị biết, nếu bán rau hữu cơ mà không trà trộn rau thường vào thì không bao giờ có lãi, nhất là khi giá rau hữu cơ hiện chỉ ngang bằng với giá rau sạch.
Chị Phương tiết lộ, buôn bán thêm rau hữu cơ chuẩn 100% như cửa hàng chị không có lãi, thậm chí phải chịu lỗ. “Tuy vậy, tôi vẫn làm để gia đình có rau ăn, đồng thời cũng là để giữ khách mua yến”, chị nói.
|
Rau hữu cơ được bàn tràn lan trên mạng xã hội |
Một chuyên gia của Bộ NN - PTNT thừa nhận, hiện rau hữu cơ chiếm tỷ lệ rất ít trên thị trường. Các cơ sở sản xuất rau hữu cơ được cấp chứng nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay vì loại rau này rất khó trồng, cho năng suất không cao như rau thường lại đòi hỏi người trồng phải tuân thủ tuyệt đối kỹ thuật.
Thực tế, thời gian qua nhiều cửa hàng kinh doanh rau hữu cơ bị phát hiện trà trộn rau khác. Đơn cử, hệ thống của hàng Mr Sạch đã bị Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hệ thống đảm bảo cùng tham gia nông nghiệp PGS đã tạm đình chỉ tư cách thành viên 1 năm (từ ngày 19/7/2013). Lý do: Mr Sạch đã lấy rau sản xuất theo phương pháp hữu cơ nhưng chưa được chứng nhận của tỉnh Hà Nam cho vào bao bì có in nhãn hữu cơ cùng logo PGS của liên nhóm hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình) để bán cho người tiêu dùng.
Cách nhận biết rau hữu cơ
Bà Phạm Như Trang, chuyên gia nông nghiệp cho biết, rau hữu cơ không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích, chất bảo quản và không biến đổi gen, rất tốt cho sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần phải tỉnh táo để phân biệt được rau hữu cơ với các loại rau thường, tránh mua phải các loại rau khác trà trộn.
Theo bà Trang, rau hữu cơ thường xấu mã, có lá dầy, phiến lá ngắn và cân đối, dùng tay sờ vào có thể cảm nhận độ cứng của lá, nhìn kỹ một chút sẽ thấy các bộ phận phát triển rất cân đối, không có dấu hiệu thân cây mập. Thân rắn chắc chứ không bóng mượt, rau để ngoài nhiệt độ thường sẽ lâu héo. Khi nấu lên, rau hữu cơ ăn giòn, có vị ngọt, mùi đậm đà, tự nhiên hơn do khả năng tích lũy dinh dưỡng trong một thời gian đủ dài.